Kinh hãi chó thả rông "đại náo" làng quê
Chó thả rông chạy khắp ngõ ở thị trấn Diễn Châu, Nghệ An. |
Nghệ An: Chỉ khoảng 20% chó được tiêm phòng dại
Huyện Diễn Châu (Nghệ An) là một trong những địa phương có tỉ lệ người dân nuôi chó khá cao. Trong năm 2018, trên địa bàn này có 27.764 hộ dân nuôi chó, với tổng đàn 24.863 con. Tuy nhiên trong số này chỉ mới tiêm phòng được 16.360 con còn lại các hộ dân nuôi chủ yếu là thả rông.
Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Đức Thiện – Trạm phó Trạm chăn nuôi và thú ý Diễn Châu cho biết, tỉ lệ các hộ dân chủ động để tiêm phòng cho đàn chó còn khá thấp. Qua các đợt tiêm, chúng tôi đã phải xuống tận các địa phương, đi từng nhà để vận động người dân tiêm phòng dại cho đàn chó.
Chó thả rông khắp nơi nhưng việc tiêm phòng dại cho chó còn rất thấp. |
Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, từ năm 2008 đến 2018, trên địa bàn đã có trên 62 trường hợp tử vong do bệnh dại. Toàn bộ các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tư vấn và tiêm vắc xin/kháng huyết thanh phòng bệnh dại.
Cá biệt, trong năm 2018, huyện Nghi Lộc có tới 4 người tử vong do bệnh dại. Đa phần những nạn nhân này sau khi bị chó cắn nhưng chủ quan, không đi tiêm phòng dại, khi phát hiện thì đã quá muộn để cứu chữa.
Bên cạnh đó, nhiều người dân, đặc biệt các trẻ nhỏ bị chó cắn thương tích rất nghiêm trọng. Đơn cử như ngày 5/10/2018, cháu T.T.H.Y (31 tháng tuổi, trú tại xã Nam Sơn, huyện Đô Lương) được đưa đến Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An trong tình trạng vùng mặt cháu bị nhiều vết thương hở, chảy máu nhiều khi bị chính đàn chó nhà cắn trọng thương...
Những người bị chó cắn đều khá chủ quan, không đi tiêm phòng dại dẫn đến tử vong thương tâm. |
Theo thống kê Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, trong tổng đàn gần 520.000 con chó đang được nuôi tại các hộ gia đình thì tỉ lệ tiêm phòng dại chỉ mới đạt 20%. Trong khi đó đa phần đàn chó nuôi theo dạng thả rông, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Để ngăn chặn bệnh dại, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 708 về “Thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 – 2021”.
Theo kế hoạch, đến năm 2021 tỉnh Nghệ An phải có 95% xã, phường, thị trấn thành lập được danh sách hộ nuôi chó và quản lý được đàn chó nuôi; 85% chó nuôi được tiêm phòng và 70% số huyện không có bệnh dại trong hai năm liên tiếp.
Đối với chủ nuôi chó phải đăng ký với cấp sở tại, việc nuôi nhốt chó phải xích hoặc đeo rọ mõm khi đến nơi công cộng. Người nuôi bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo và thanh toán các khoản chi phí tiêm phòng. Chó sau khi tiêm phòng sẽ được cấp thẻ và dây đeo vòng cổ để phân biệt với chó chưa được tiêm phòng dại.
Chó được thả rông khắp nơi nhưng con số được tiêm phòng lại quá ít |
Thanh Hóa, Quảng Bình: Chó thả rông chạy khắp làng quê
Hiện nay, đa số các hộ dân ở các làng quê Thanh Hóa đều nuôi chó, nhà ít thì 1 con, nhà nhiều 2 - 3 con và chủ yếu đều thả rông ngoài đường. Nhiều trường hợp bị chó dại cắn, khi đi khám không có biểu hiện nhưng khi phát bệnh đi chạy chữa thì không kịp.
Hình ảnh một bé gái khoảng 2 tuổi đang ngồi chơi bên một con chó hàng chục kg khiến nhiều người hốt hoảng. |
Điển hình, vào tháng 10/2016, chị Đinh Thị T. (33 tuổi, trú xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) bị chó dại cắn. Đến tháng 2/2017 thì phát bệnh và tử vong.
Ở xã Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), tình trạng chó thả rông ra đường không đeo rọ mõm như thế này cũng khá nhiều. |
Tình trạng chó thả rông ở các vùng quê ở tỉnh Quảng Bình đang còn phổ biến. Chó thả rông vừa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên các trục đường liên thôn, liên xã, đồng thời cũng gây nguy hiểm cho người dân xung quanh vì không an toàn.
Chị Hoàng Lan (trú ở xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch) cho biết: "Nhà tôi có cháu nhỏ học tiểu học. Trường ở trong thôn nên cháu tự đi bộ đến trường. Nhưng có nhiều hôm thấy có những con chó chạy rông, tôi lo sợ các con bị chó cắn, nên phải đưa con đến trường và đón về cho yên tâm".
Chó không được đeo rọ, mõm lang thang khắp các đường làng. |
Còn ông Hoàng An (trú ở Phù Hóa) cho biết lo lắng: "Các cháu nhỏ khi thấy chó ngoài đường thường sợ hãi bỏ chạy, và chó đuổi theo để tấn công. Cũng có nhiều cháu bé nghịch, khi đi qua nhà ai nuôi chó, dù chó xích trong nhà, nhưng nghe tiếng sủa nên các cháu trêu, la hét làm con chó thù. Bởi vậy, nếu con chó đó khi tuột xích ra ngoài mà gặp những đứa trẻ kia, nó nhớ và cắn trả thù".