Kì thi chung quốc gia: "Nếu cần nên hình sự hóa hành vi vi phạm"
Đó là một số góp ý để có một kỳ thi quốc gia chất lượng, các trường ĐH, CĐ có thể yên tâm về kết quả sử dụng xét tuyển đầu vào mà TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT, Tổng giám đốc Học viện Quốc tế FPT chia sẻ với PV báo điện tử Infonet.
Vừa qua Bộ GD&ĐT đưa dự thảo 3 phương án tổ chức kỳ thi chung quốc gia, ông đánh giá thế nào về các phương án đó. Nếu để áp dụng trong năm tới ông sẽ theo phương án nào?
Trong một thời gian ngắn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra được dự thảo cho phương án đổi mới thi cử. Tôi nghĩ đây là một sự cố gắng rất lớn của Bộ với vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8 về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam.
Cũng cần nói rõ một điều là dự thảo mà Bộ GDĐT công bố theo tôi thực chất là một phương án, chỉ là phương án tổ chức chỉ một kỳ thi quốc gia, khác biệt rất lớn so với việc tổ chức 2 kỳ thi quốc gia (là thi tốt nghiệp và thi đại học) như hiện nay.
Trong đó, phương án này được đưa ra 3 cách thức thực hiện, và việc lựa chọn cách thức triển khai nào thực chất chỉ mang tính chất kỹ thuật và đều có ưu điểm, nhược điểm riêng vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Đặc biệt, trong đó có yếu tố tâm lý, xã hội thường "dị ứng" khi tiếp xúc với cái mới, cảm giác cái mới mà mới ít thì triển khai an toàn hơn so với mới nhiều.
Trong số 3 cách được đưa ra đó, có sự phân chia lựa chọn thi theo môn và thi theo bài. Lâu nay Việt Nam vẫn tổ chức thi theo môn, việc thi cử kiểm tra trong các trường phổ thông cũng là theo môn học. Bởi thế, theo tôi nếu thi theo môn thì thay đổi ít hơn là thi theo bài, thuận lợi hơn cho thói quen học, thi, ra đề, tổ chức thi cử, chấm thi của cả thầy và trò.
Vấn đề quan trọng nhất của một kỳ thi THPT quốc gia có phải đi tìm xem chúng ta thi môn nào hay không, hay còn một yếu tố khác quan trọng hơn?
Vấn đề quan trọng nhất là bỏ đi 2 kỳ thi trước đây (thi tốt nghiệp và thi đại học) và thay bằng một kỳ thi quốc gia – chứ không phải là thi môn nào và thi như thế nào. Tuy nhiên việc thi môn nào, thi như thế nào lại tác động ngược lại rất lớn vào cách thức dạy và học trong trường phổ thông hiện nay. Đây cũng là vấn đề rất quan trọng mà chưa được thể hiện trong phương án thi mới.
Vậy kỳ thi THPT quốc gia phải thực hiện như thế nào để các trường đại học, cao đẳng có thể tin tưởng vào kết quả này, thưa ông?
Các trường đại học, cao đẳng sẽ tuyển sinh theo quyền tự chủ được quy định trong Luật Giáo dục Đại học 2013, trong đó cho phép các trường được thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc kết hợp thi và xét tuyển.
Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đại học trong việc xét tuyển, đòi hỏi kỳ thi quốc gia này cần tổ chức ở mức độ nghiêm túc cao nhất để kết quả có độ tin cậy cao, đồng thời đề thi có mức độ phân hóa cao. Như vậy các trường nhìn vào đó mới phân biệt được trình độ của thí sinh.
Nhìn vào các phương án, ông còn băn khoăn điều gì không?
Điều tôi lo ngại không chỉ với cách thức thi theo phương án mới mà cho cả các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đã tổ chức trước đây. Điều đáng quan tâm là làm thế nào để thi nghiêm túc trong bối cảnh bệnh tiêu cực và chạy theo thành tích trong giáo dục vẫn còn nặng nề.
Theo tôi, trong đề án nên có nội dung liên quan đến việc thắt chặt kỷ cương thi cử. Chẳng hạn truất quyền học sau phổ thông với thí sinh vi phạm, hay loại các giám thi vi phạm ra khỏi ngành, quy kết trách nhiệm và xử lý kỷ luật lãnh đạo các địa phương khi để xảy ra tiêu cực. Thậm chí nếu cần thì hình sự hóa các hành vi vi phạm đủ để có tác dụng ngăn ngừa, răn đe.
Thi cử là một trong những khâu đột phá đầu tiên của đổi mới giáo dục và đào tạo, theo ông khi chúng ta thực hiện đổi mới một kỳ thi quốc gia thì khâu này sẽ làm nhiệm vụ như thế nào để kích thích các khâu khác đi theo?
Việc đổi mới thi cử là khâu đột phá, nhưng từ việc thay đổi thi cử phải thực hiện ngay các thay đổi khác liên quan đến dạy và học.
Theo quan điểm của tôi, phương án tối ưu hiện nay sẽ là thực hiện một kỳ thi quốc gia, mà mỗi thí sinh sẽ thi 6 môn trong 8 môn (Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ). Trong đó, 3 môn bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ. Bởi theo tôi, với phương án 4 môn như dự kiến không đủ thông tin để xét tuyển đại học. Từ 2013 trở về trước vẫn thi tốt nghiệp phổ thông 6 môn và không có vấn đề gì.
Ngoài ra, việc dạy và học THPT cũng thay đổi theo, từ 2015 các lớp 10-11-12 chỉ cần học 6 môn. Với các môn không học, kiến thức về các môn này ở THCS là đủ để vào đời. Đây là thay đổi mang tính “ăn theo” hết sức quan trọng, hỗ trợ cho hướng nghiệp sớm và giảm tải, học phổ thông theo các môn tự chọn cũng là thông lệ của nhiều nước tiên tiến. Với Việt nam thì phù hợp với quan điểm học gì thi nấy và tâm lý không thi thì không học.
Kỳ thi quốc gia áp dụng ngay trong năm 2015 thì liệu có quá vội vàng không, thưa ông?
Theo tôi nghĩ một năm chuẩn bị là quá đủ - vì có kéo dài thời gian chuẩn bị cho kỳ thi chung này cũng không mang lại thêm giá trị gia tăng gì hơn. Thực tế, việc thay đổi thi tốt nghiệp phổ thông năm 2014 vừa qua (từ 6 môn bắt buộc thành 4 môn tự chọn) cho thấy để thực hiện thay đổi thi cử không nhất thiết cần thời gian chuẩn bị dài. Mặt khác ý tưởng về thi chung không phải mới xuất hiện trong nghị quyết Hội nghị TW 8, mà đã bàn cả 5 năm nay rồi.
Theo phương án học và thi 6/8 môn như tôi đề xuất, việc thi 6 môn trong 8 môn thực tế dung hợp phương thức thi tốt nghiệp từ 2013 trở về trước, và trong 6 môn này khi thí sinh lựa chọn sẽ bao gồm 3 môn theo khối như thi đại học, do đó cũng thuận lợi cho các trường đại học xét tuyển. Như vậy việc chuyển tiếp sẽ dễ dàng hơn cho cả thí sinh lẫn nhà trường.
Xin cảm ơn ông!