Kỹ sư điện khởi nghiệp với vườn mắc ca, thu về vài tỷ đồng mỗi năm
Nghỉ hưu, ông Nguyễn Mạnh Hùng (xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) lại quyết định khởi nghiệp làm nông dân.
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với tấm bằng kỹ sư điện, ông Nguyễn Mạnh Hùng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) được tuyển về làm kỹ sư ở Công ty Điện lực Lạng Sơn. Tuy nhiên, trong suốt thời gian làm kỹ sư ngành điện, ông Hùng vẫn đau đáu một trăn trở với nghề nông, muốn về làm nông nghiệp.
Chính vì thế mà hễ được nghỉ phép hay cuối tuần là ông tranh thủ đi thăm vườn cafe, những mô hình làm nông mang lại lợi nhuận cao.
Gắn bó với các công trình xây dựng điện hơn 30 năm thì ông Hùng về hưu, lúc này có nhiều thời gian hơn mà nghĩ cứ chơi không cũng chán nên ông Hùng quyết định khởi nghiệp ở tuổi 50.
“Ai cũng nghĩ về hưu là thời gian nghỉ ngơi, vui thú điền viên cùng con cháu nhưng tôi thì nghĩ còn sức khỏe, còn minh mẫn thì còn làm. Vả lại bận rộn với công việc cũng quen rồi nên nghỉ ở nhà chơi tôi thấy buồn chân, buồn tay vô cùng nên quyết định mua vườn trồng mắc ca”, ông Hùng tâm sự
Chia sẻ thêm về cơ duyên đối với cây mắc ca, ông Hùng cho biết, trong một lần du lịch sang Trung Quốc, ông được bạn bè giới thiệu cây mắc ca. Với ông, mắc ca là loại quả ngon vô cùng, một đất nước rộng lớn như Trung Quốc lại chỉ có 2 vùng có thể trồng được loại quả này.
Ngay lập tức ông Hùng tìm hiểu thì thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng này tương đồng với quê nhà Lạng Sơn - nơi vùng đất khó khăn, cằn cỗi. Vậy là, ông đã tìm tòi, học hỏi và đến năm 2009 ông Hùng trồng 5ha cây mắc ca tại huyện Cao Lộc.
"Khi có ý tưởng về làm nông dân, dành hết tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để mua vườn vợ tôi phản đối kịch liệt. Bà ấy nói tôi sướng thì không muốn, ai đời già rồi còn mua đất mà trồng cây.
Rồi bà ấy bảo tôi mấy chục năm nay chỉ quen ngành điện, biết gì về nông dân mà đòi dùng hết tiền tiết kiệm khởi nghiệp làm nông. Thuyết phục tôi không được, vợ còn nói chuyện với cả họ hàng với mong muốn can ngăn cái ý tưởng “điên rồ” của tôi”, ông Hùng nói.
Thế nhưng tính ông Hùng lâu nay đã quyết là làm dù 10 người thì có đến 9 người nói khởi nghiệp ở tuổi này nếu thất bại sẽ khó có thể làm lại và mất tất cả, tuy nhiên ông vẫn liều.
Bao nhiêu vốn liếng tích cóp được trong hàng chục năm đi làm, ông dồn hết vào mua mảnh vườn. Vì vậy dù gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu nhưng ông chỉ có con đường tiến lên chứ không còn đường lùi.
“Thú thật là kiến thức tôi cũng không có gì, chỉ là thấy mắc ca là loại cây chắc chắn sẽ khả thi với khí hậu của Lạng Sơn nên tôi vừa trồng cây, vừa nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc.
Ngày ở vườn, mày mò với đất với giống cây, đêm về lại mày mò lên mạng nghiên cứu, tìm tài liệu về trồng mắc ca. Sau thời gian trồng, cây đã trưởng thành mùa hoa đầu tiên cũng đã đến. Thế nhưng, mùa đầu cứ ra hoa là rụng hết không đậu được quả nào. Đồng thời, cây nhiều sâu bệnh, nấm…
Thú thực, lúc đó tôi mất ăn mất ngủ với vườn mắc ca, vì nếu bỏ cuộc thì coi như mất trắng, mất hết cả công sức bao năm đi làm kỹ sư.
Vì thế, để giải quyết những khó khăn đó, tôi quyết định tìm đến các chuyên gia đầu ngành, tìm đến các nhà vườn trồng mắc ca ở trong miền Nam để hỏi về cách chăm sóc cũng như làm thế nào để khi ra hoa là đậu được quả….”, ông Hùng kể.
Bên cạnh hỏi chuyên gia, người có kinh nghiệm ông Hùng còn tìm tài liệu nước ngoài về trồng mắc ca để tham khảo. “Lúc đó, đa phần các loại thuốc để phòng và chữa bệnh cho cây chủ yếu ở nước ngoài do vậy tôi đã phải gửi mua từ tận miền Nam”, ông Hùng kể.
Sau những khó khăn thì trái ngọt cũng đã đến, mùa thu hoạch đầu tiên vườn mắc ca 3 héc ta của ông Hùng thu về 6 tạ, mỗi kg mắc ca thô bán với 80 nghìn đồng/kg.
Làm vườn bắt đầu có doanh thu, ông Hùng nhân rộng mô hình, bà con Cao Lộc ai muốn trồng loại cây này ông Hùng đều hết lòng chỉ bảo, chẳng giữ bí quyết nào cho bản thân.
“Khi còn công tác ngành điện, tôi vẫn đau đáu một điều rằng phải làm gì để giúp bà con quê tôi thay đổi cuộc sống, phát triển kinh tế để đời sống đỡ vất vả hơn và giờ tôi thực sự làm được”, ông Hùng nói.
Nhận ra bán mắc ca thô thì giá rất thấp, thế là lại bắt tay vào nghiên cứu tiếp. Ông Hùng đã nghĩ ra phương án chế biến nhằm tạo thương hiệu riêng cho mắc ca của Lạng Sơn.
Theo đó, ông Hùng đã đầu tư công nghệ như máy sấy, máy đập hạt, đóng gói sản phẩm và đặc biệt là chú trọng vào quá trình chăm sóc để hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, khách hàng siêu thị đã đồng ý nhập sản phẩm mắc ca từ cơ sở của ông và bán với giá 250 - 270 nghìn đồng/kg.
Hiện nay diện tích trồng mắc ca của ông Hùng đã lên tới 25ha. Không chỉ thế, Công ty Hoàng Liên của ông Hùng còn bao tiêu sản phẩm cho bà con trồng mắc ca ở Cao Lộc, giúp bà con có đầu ra sản phẩm, nâng cao đời sống kinh tế.
Nói về hiệu quả trồng mắc ca, ông Hùng chia sẻ, sản lượng Công ty thu hoạch khá tốt, vụ năm 2021 ông thu hoạch được 12 tấn quả tươi, doanh thu gần 5 tỷ đồng/vụ. Trừ các chi phí, gia đình thu về khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.
Ông Hùng cho biết, hạt mắc ca rất thơm ngon, có vị ngậy đặc trưng. Hiện nay, mắc ca Hoàng Liên đã được 26 siêu thị ở Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Giang đặt mua. "Hàng xuất xưởng tới đâu là hết tới đó, chưa bao giờ phải lo đầu ra cho sản phẩm", ông hồ hởi khoe.
Hoàng Thanh