Vị bác sĩ đặc biệt của các bệnh nhân ung thư
Xây dựng Khoa Ung bướu với mong muốn bệnh nhân ung thư và y bác sĩ như người trong gia đình, là nơi chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ đã giúp tinh thần người bệnh nhẹ nhàng hơn rất nhiều trong quá trình chữa trị
BV K lý giải vì sao ngày càng nhiều người Việt mắc và chết vì ung thư
Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Người bác sĩ dễ thương
Với thân hình gày gày, xương xương nhưng tác phong luôn nhanh nhẹn, đi lại thoăn thoắt thăm hỏi từng bệnh nhân trong khoa, đó là vị bác sĩ Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thủ Đức.
Khi nhắc đến bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, người bệnh ung thư điều trị tại đây trìu mến gọi là “vị bác sĩ dễ thương”.
Bác sĩ Vũ luôn được bệnh nhân ung thư tin yêu, trân trọng. Bởi vì bất cứ việc gì anh làm đều bắt nguồn từ cái tâm nghĩ về người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân khó khăn.
Chỉ đi qua, thoáng nghe bệnh nhân ung thư trong khoa than thở điện thoại hết tiền, muốn gọi cuộc điện thoại cho người thân cũng khó, bác sĩ Vũ đã nghĩ ngay ra việc sẽ tặng thẻ điện thoại cho bệnh nhân ung thư. Phong trào tặng thẻ điện thoại cho bệnh nhân ung thư được Khoa Ung bướu triển khai. Những chiếc thẻ điện thoại nghĩa tình đã giúp nhiều bệnh nhân ung thư có thể gọi điện về cho người thân, cho gia đình những lúc cần thiết.
BS Nguyễn Triệu Vũ |
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Vũ tâm sự “Bệnh nhân ung thư ở Việt Nam còn khổ quá. Đa số họ đều phát hiện rất muộn. Có những bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn trễ, lại đối diện với khó khăn như không có bảo hiểm y tế, không có kinh phí để điều trị mức tối thiểu.
Những lúc nhìn bệnh nhân của mình ở giây phút cận tử. Bác sĩ Vũ lại ước giá mình có thể giúp họ nhiều hơn. Sự tận tụy với nghề của người làm ngành y giúp cứu sống người bệnh hoặc ít nhất cũng giúp họ có những ngày tháng cuối đời tốt hơn.
"Tôi chỉ mong sao mọi người quan tâm tới sức khoẻ của mình hơn, phát hiện ung thư sớm hơn. Các chính sách BHYT gần với bệnh nhân hơn, bác sĩ cũng đỡ vất vả hơn", anh chia sẻ.
Cái tâm của bác sĩ Vũ xuất phát từ việc anh không bao giờ nghĩ làm việc thiện mong được trả công. Anh tự đặt cho mình quy tắc không bao giờ nhận phong bì của bệnh nhân, chỉ nhận những bài thơ, những bức thư cảm ơn hay chút hoa quả cây nhà lá vườn của họ.
Nhiều bệnh nhân đến với bác sĩ Vũ họ chỉ là những người bán vé số, chạy xe ôm, thậm chí tìm tới anh chẳng có gì ngoài khối u ung thư đã di căn. Chứng kiến nhiều bệnh nhân phải bỏ điều trị do không có điều kiện kinh tế, do nhà ở tỉnh khó khăn đi lại, bác sĩ Vũ lại tìm đủ mọi cách, tìm hỗ trợ từ các công ty dược để giúp người bệnh có thuốc điều trị.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để giúp người bệnh đang hóa trị ngoại trú đỡ vất vả đi lại, bác sĩ Vũ đã khuyến khích bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm máu thông thường tại địa phương, sau đó gửi kết quả cho bác sĩ trước.
Nếu kết quả xét nghiệm tốt, bệnh nhân mới cần đến bệnh viện để thực hiện truyền thuốc theo lịch hẹn. Điều này giúp giảm thời gian và chi phí cho bệnh nhân rất nhiều.
Đối với bệnh nhân đã xét nghiệm từ nơi khác, chỉ cần cung cấp bản photo để bác sĩ đưa vào bệnh án giúp tiết kiệm chi phí.
BS Vũ với các bệnh nhân ung thư của mình. |
Đưa bệnh nhân đi chơi
Nhiều năm điều trị cho bệnh nhân ung thư, BS Vũ nhận thấy vẫn còn rất nhiều khoảng trống. Chứng kiến nhiều bệnh nhân được ra viện mà ngại không dám về nhà vì ngoại hình đã thay đổi sau tháng ngày điều trị bệnh. Có bệnh nhân khóc với bác sĩ họ bị chính người thân kỳ thị. Bác sĩ Vũ cho rằng bệnh ung thư điều trị tâm lý là quan trọng. Anh muốn những người đồng bệnh cùng nhau tâm sự, chia sẻ, cảm thông cho nhau là tốt nhất.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng mong muốn có các hoạt động thiết thực để người bệnh đến bệnh viện và coi y bác sĩ như người trong nhà, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho quá trình điều trị.
Từ ý tưởng này anh thành lập cậu lạc bộ bệnh nhân ung thư. Câu lạc bộ ra đời từ năm 2011 với 11 thành viên ban đầu và lần họp mặt đầu tiên vào ngày 2/12/2012.
Đến nay "mái nhà" tinh thần của các bệnh nhân ung thư đã có hàng trăm thành viên. Nội dung sinh hoạt theo chủ đề liên quan đến bệnh ung thư như cách phát hiện, chế độ dinh dưỡng...
Ngoài ra, các thành viên còn tích cực trao đổi, cảnh báo về các quan niệm dùng thuốc trị bệnh truyền miệng thiếu tính khoa học, có thể khiến bệnh thêm nặng, tuột dần cơ hội sống, thăm hỏi, động viên những cô chú chẳng may bệnh trở nặng, thăm viếng những bệnh nhân không còn tiếp tục chiến đấu với căn bệnh quái ác này.
Ngày 17-19/07/2020, vượt qua quãng đường xa hơn 300km với 8 giờ ngồi xe, đoàn câu lạc bộ bệnh nhân của khoa Ung bướu- BV Quận Thủ Đức với 80 thành viên là bệnh nhân và y bác sĩ, điều dưỡng đã đến Đà Lạt tham gia lần họp mặt năm 2020, trong đó nhiều bệnh nhân vẫn đang bị khối u hoành hành.
Bác sĩ Vũ cho rằng bệnh nhân ung thư không chỉ cần những toa thuốc, những lần phẫu thuật, những chỉ định chuyên khoa khô khan, họ còn cần nhiều hơn những cảm thông, quan tâm, chia sẻ từ phía nhân viên y tế và từ những người cùng cảnh ngộ. Bởi, điều trị ung thư là một chặng đường dài, mệt mỏi, bệnh nhân cần những người bạn đồng hành cảm thông.
Nhìn bệnh nhân ung thư của mình dù đang điều trị, có người còn đang đeo máy tạo nhịp tim, có bệnh nhân đang bị khối u di căn hành hạ, nhưng họ vẫn mạnh mẽ đứng lên hát hò, xích lại gần nhau, lúc đó khoảng cách giữa bệnh nhân và nhân viên y tế đã biến mất.
Với bác sĩ Vũ, đó là món quà vô giá của nghề y.
Phương Thuý
Căn bệnh ung thư hàng đầu Việt Nam và các triệu chứng cơ bản cần nhớ
Ung thư gan là bệnh ung thư đứng hàng đầu ở nước ta với hơn 25 nghìn ca mắc mỗi năm và hơn 23 nghìn người tử vong. 70% bệnh nhân chỉ phát hiện được khi ở giai đoạn muộn.
Không muốn là một trong số hơn 23.000 người Việt chết mỗi năm, quý ông hãy làm điều này
Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi, chiếm tỷ lệ 14,4% tổng số ung thư các loại.