Trẻ dậy thì béo phì và cách giảm cân cực kỳ đơn giản
88% trẻ thừa cân béo phì hiện nay thường dành khá nhiều thời gian để xem tivi, sử dụng các thiết bị điện tử di động và ít có thói quen tập luyện thể dục thể thao.
Chế độ ăn không khoa học cũng khiến trẻ ở tuổi dậy thì rất dễ bị béo phì |
Chế độ ăn không phù hợp
Nhiều bố mẹ ở thành thị than vãn ở tuổi dậy thì con thường ăn rất nhiều dẫn đến tình trạng là trẻ tăng cân không hãm nổi.
Chị Hà Thu (Thanh Xuân) là trường hợp điển hình. Vốn có hai con trai, con lớn năm nay lớp 10, con bé lớp 9. Ngày nào chị cũng đau đầu về việc lựa chọn thực phẩm.
"Hồi bé chúng ăn như mèo, nhưng hai ba năm trở lại đây chúng ăn thủng nồi. Ăn như bù lại khoảng thời gian lúc bé lười ăn. Thời gian đầu thì còn mừng vì cả hai đứa từ thân hình cò hương giờ có da có thịt. Nhưng một năm nay, tôi bắt đầu lo. Vì đứa nào cũng trên 70kg rồi. Cái ban công ngày trước đặt bàn uống nước, giờ chúng nó không ngồi được", chị Vân Anh than vãn.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, thói quen ăn uống là yếu tố quan trọng tác động đến cân nặng của trẻ. Trong khi đó, do nhận thức sai hoặc do dễ dãi, nhiều người đã tạo cho con một chế độ ăn uống không phù hợp.
Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đưa ra dẫn chứng theo đánh giá nhanh các bệnh nhân thừa cân đến khám tại Trung tâm điều trị béo phì và hội chứng chuyển hoá của Viện về tình trạng sử dụng thực phẩm ăn nhanh cho thấy phần lớn trẻ em thừa cân/ béo phì đều có thói quen thích các đồ ăn nhanh và nước ngọt bánh kẹo ngọt. Thói quen ăn đồ rán hằng ngày và ăn bữa phụ trước khi đi ngủ cũng làm cho trẻ tăng cân.
Do đó, để giúp trẻ giảm béo ở tuổi dậy thì, các bậc phụ huynh nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống và giúp con tránh xa các thói quen xấu gây tăng cân.
Theo đó các thói quen khiến trẻ tuổi dậy thì dễ tăng cân đó là ăn vặt; xem tivi trong lúc ăn, bởi khi bị mất tập trung, con sẽ không để ý rằng mình đã no.
“Một số thói quen mà trẻ rất thích đó là uống nhiều nước ngọt và nước trái cây, ăn các đồ ăn nhanh chiên dầu mỡ đặc biệt ăn quá nhiều trong các bữa ăn: khi trẻ trong giai đoạn dậy thì chuyển hóa cơ thể tăng lên, nhu cầu ăn của trẻ cũng tăng nên rất dễ ăn quá nhiều”, TS. BS Trương Hồng Sơn nói.
Cần tăng cường vận động
Ngoài ra trẻ ở nhóm tuổi này cần được tăng cường vận động. Bởi trên thực tế đã được chứng minh, béo phì tăng cao ở nhóm trẻ ít vận động.
TS. BS Trương Hồng Sơn |
“Qua khảo sát về thói quen vận động thể dục của trẻ đến khám tại Trung tâm điều trị béo phì và hội chứng chuyển hoá của Viện Y học ứng dụng Việt Nam năm 2019 thì 88% trẻ thừa cân béo phì hiện nay thường dành khá nhiều thời gian để xem tivi, sử dụng các thiết bị điện tử di động và ít có thói quen tập luyện thể dục thể thao.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy thời gian vận động (chạy, đi bộ, chơi thể dục thể thao) ở nhóm trẻ béo là 49 phút/ngày, trong khi ở trẻ thường là 68 phút. Ngược lại, thời gian dành cho các hoạt động tĩnh (đặc biệt là xem tivi) ở trẻ em béo cao hơn hẳn: 82 phút/ngày (so với trẻ bình thường là 50 phút).
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, những đứa trẻ lên ba xem tivi nhiều hơn tám tiếng một tuần hoặc ngủ ít hơn 10-12 giờ mỗi đêm có nguy cơ tăng cân rất nhiều”, TS. BS Trương Hồng Sơn cảnh báo.
Bởi những đặc điểm trên nên, BS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh: việc điều chỉnh thói quen ăn uống sinh hoạt vận động là điều cần thực hiện ở những trẻ thừa cân.
Theo đó, các bố mẹ nên áp dụng phương án vận động của 5 +2 của Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Đó là 5 ngày thể dục/ tuần: Dành ra khoảng 30 phút vào sáng chiều cho việc tập luyện các môn thể dục, chạy chơi, đạp xe, đi bộ.
2 ngày thể thao/ tuần: dành khoảng 1h cho các môn thể thao, ưu tiên các môn ngoài trời và mang tính kéo dãn như bóng rổ, bóng chuyền, đá bóng, bơi, cầu lông….
Đặc biệt, các bậc phụ huynh cũng lưu ý đến giấc ngủ của trẻ. Theo đó, cần thay đổi ngay thói quen thức khuya của trẻ bằng cách đi ngủ sớm, lên giường trước 10h tối và ngủ sâu giấc vào 11h đêm – 2,3h sáng – khi hormone tăng trưởng sản sinh ra nhiều nhất, tạo điều kiện cho chiều cao phát triển tối ưu..
Và để có giấc ngủ tốt, TS. BS Trường Hồng Sơn bày cách: Không cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Tạo cho trẻ một không gian ngủ sạch sẽ, thoáng mát, không quá nhiều ánh sáng cũng như tiếng ồn bên ngoài. Đảm bảo phòng ngủ có nhiệt độ phù hợp (khoảng 27 độ C) và đặc biệt không nên ăn những bữa ăn quá no trước khi đi ngủ vì sẽ khiến trẻ khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cho trẻ tắm nước ấm hoặc massage cơ thể nhẹ nhàng cho trẻ trước khi đi ngủ.
“Không nên chê bai ngoại hình, gây áp lực cho trẻ. Theo dõi sự tăng trưởng về chiều cao cân nặng của trẻ thường xuyên và đưa trẻ đi khám để được tư vấn chính xác”, TS. BS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.
N. Huyền