Về quê ăn Tết, việc đi lại có làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh?
Theo các chuyên gia y tế, hiện tại tỷ lệ người được tiêm vắc xin lên tới hơn 90%, các tỉnh đã có kịch bản sẵn sàng ứng phó với Covid-19 thì việc đi lại của người dân hoàn toàn không làm gia tăng bùng phát ổ dịch lớn.
PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y học Công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng hiện nay việc đi lại về quê đón Tết của người dân là nhu cầu thiết yếu. Khi các tỉnh đã mở cửa thích ứng với Nghị quyết số 128 thì không nên mỗi nơi làm một kiểu.
Số lượng các ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian vừa qua là do chúng ta nới lỏng Nghị quyết 128, nới lỏng các hoạt động, nới lỏng cả việc đi lại, tăng sự tiếp xúc giữa người với người. Điều này đã được dự báo từ trước. Đặc biệt, Hà Nội là thành phố đông dân, người dân không chỉ di chuyển trong thành phố mà còn di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác.
PGS Dũng cho biết việc đi lại của người dân về quê ăn Tết cũng sẽ không làm gia tăng ổ dịch. Vì hiện tại dịch bệnh có trong cộng đồng, bất cứ ai có triệu chứng xét nghiệm đều có thể dương tính nên để xác định nguồn lây là rất khó.
PGS Dũng khuyến cáo tốt nhất người dân trước khi trở về quê có thể làm xét nghiệm nhanh để đi lại cho an toàn. Ý thức của mỗi người sẽ là lá chắn hiệu quả, góp phần ngăn chặn, không cho dịch bệnh lây lan, bùng phát.
Ngày Tết người đi lại nhiều, các hoạt động vui chơi giải trí có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nhưng nếu bất cứ ai cũng tuân thủ đeo khẩu trang sát khuẩn thì hoàn toàn phòng được. Vì thế PGS Dũng cho rằng không nên tập trung đông người, ăn uống không đeo khẩu trang mà nên tuân thủ đeo khẩu trang. Ví dụ cả nhà đi chơi công viên du xuân vẫn cần tuyệt đối tuân thủ đeo khẩu trang. Không cần thiết cũng không nên đi lại, nếu phải đi lại thì tự bảo vệ cho mình vì nếu trong điều kiện môi trường kín như các phương tiện giao thông công cộng thì lây lan rất nhanh.
Ảnh minh hoạ. |
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc di chuyển giữa các tỉnh không thể làm bùng dịch, nếu người dân thực hiện nghiêm quy định phòng ngừa. Nhiều tỉnh đắn đo lo ngại dịch bệnh nên tìm các biện pháp không phù hợp là không cần thiết vì giờ địa phương nào cũng là vùng có dịch.
PGS Hùng cho rằng thay vì đưa ra các biện pháp làm sao để cách ly được người dân ở xa về hay bắt test toàn bộ thì các địa phương tuyên truyền người dân nâng cao thói quen phòng ngừa dịch bệnh cá nhân sẽ tốt hơn.
Trước việc về quê của nhiều người bị ảnh hưởng vì còn cảnh ngăn sông cấm chợ, mỗi địa phương một quy định, Bộ Y tế đã ra công văn yêu cầu các địa phương không ngăn sông cấm chợ người dân về quê ăn Tết.
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo UBND các cấp, các Sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị triển khai các giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Thực hiện nghiêm công văn số 357 của Bộ Y tế, "tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết, không ngăn sông cấm chợ, tổ chức chăm lo cho người dân đón Tết, vận động người dân trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ, nhất là việc hỗ trợ người lao động trở lại thành phố lớn đảm bảo an toàn, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội".
Cũng tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế xây dựng trình UBND tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2022 tổ chức triển khai thực hiện sớm nhất có thể, phân công cụ thể các đơn vị liên quan theo từng nội dung và địa bàn phụ trách.
Tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mùa đông – xuân, tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là Covid-19 và biến thể mới, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch phát triển lây lan trong cộng đồng.
K.Chi
F0 âm tính vẫn còn sốt, mệt, PCR tái dương tính có nguy hiểm không?
F0 âm tính vẫn còn sốt, mệt, PCR tái dương tính có nguy hiểm không đó là 1 trong những thắc mắc mà rất nhiều F0 quan tâm.
Dựng lều cách ly người về quê ăn Tết, cách làm cực đoan phản cảm
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng, dựng lều cách ly người về quê ăn Tết là cách làm cực đoan, phản cảm.