TP HCM nếu không làm quyết liệt dịch có thể bùng lên nữa, Hà Nội không được chủ quan
PGS. TS Trần Đắc Phu nhận định TP HCM nếu không làm quyết liệt dịch có thể bùng lên nữa, các địa phương khác phải làm dứt điểm ngay từ đầu. Hà Nội không được chủ quan…
Tiểu thương chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) chờ lấy mẫu xét nghiệm (Ảnh TTXVN) |
Thực hiện giãn cách vừa qua tại TP.HCM cũng chưa thật nghiêm
Liên tiếp trong những ngày qua, số ca mắc Covid- 19 tại TP Hồ Chí Minh không ngừng tăng lên. Trong nhiều ngày qua số ca mắc mới cả nước mỗi ngày đã tăng lên con số hơn nghìn. Theo đó, chỉ trong hơn 2 tháng, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 10 nghìn ca trên tổng số hơn 20.000 ca trên cả nước.
Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, số ca mắc Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã vượt qua con số 7.000. Dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Cùng với 5.000 giường hiện có, TPHCM đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó dịch với 10.000 -15.000 ca mắc.
Nhận định về tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết “rất phức tạp” do “đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chuỗi lây nhiễm”.
“Từ vài ca chỉ điểm ban đầu đã phát hiện thêm các ổ dịch trong khu dân cư, khu nhà trọ, chợ, các khu công nghiệp… Đặc biệt, dịch từ đây đã lây lan ra một số tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên…”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Lý giải nguyên nhân khiến dịch tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có điểm dừng, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng, thứ nhất là do chủng virus. Biến chủng Delta được phát hiện đầu tiên Ấn Độ có tốc độ lây lan rất nhanh, có thể trong 2-3 ngày đã tạo thành chu kỳ dịch.
Nguyên nhân thứ hai, chuyên gia này thẳng thắn chỉ ra đó là việc thực hiện giãn cách vừa qua tại TP.HCM cũng chưa thật nghiêm.
“Giãn cách ở đây là thực hiện nghiêm việc giãn cách nhà với nhà, người với người, khu phố với khu phố. Ngoài ra, việc hạn chế các đám đông cũng chưa được thực hiện như các chợ vẫn tụ tập đông người...
Khi dịch đã lây lan trong cộng đồng thì biện pháp quan trọng nhất vẫn là giãn cách và phong tỏa để hạn chế người mắc bệnh tiếp xúc, lây nhiễm cho người lành, từ đó sẽ giảm dần số ca mắc. Khi số ca mắc quá lớn thì sẽ không thể chỉ truy vết và cách ly”, PGS. TS Trần Đắc Phu thông tin.
Người dân không nên đi lại khi không cần thiết
Trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay ông cho rằng, TPHCM cần rút kinh nghiệm đợt giãn cách trước thực hiện chưa nghiêm nên dịch còn gia tăng.
“Chúng ta phải mất rất nhiều tiền cũng như rất nhiều sự bất tiện trong cuộc sống để đổi lấy cách ly xã hội một cách thực sự. Vì thế, TP cần tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ ngày 9/7 là cơ hội để khống chế dịch”, TS Phu nhấn mạnh.
Đặc biệt, chuyên gia lưu ý việc phong tỏa phải thực hiện nghiêm đến từng hộ gia đình, theo nguyên tắc mỗi nhà đều "cửa đóng, then cài", về cơ bản đóng cửa các cửa hàng cửa hiệu trừ cửa hàng cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu… Người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết và được chính quyền cho phép.
“Người dân phải thực hiện nghiêm nếu không sẽ rất khó cắt đứt chuỗi lây nhiễm. TP Hồ Chí Minh nếu làm không quyết liệt, dịch có thể bùng thêm nữa.
Chúng ta chưa thể dự đoán được khi nào đợt dịch thứ 4 sẽ chấm dứt. Hiện tại, Việt Nam cần thực hiện biện pháp mạnh hơn nữa. Việc dịch bùng lên hay giảm đi phụ thuộc vào việc đáp ứng phòng, chống dịch trong thời gian tới. TPHCM càng phải làm mạnh hơn nữa. Các địa phương khác cũng phải làm dứt điểm ngay từ đầu. Bình Dương, Đồng Nai..., kể cả Hà Nội không được chủ quan”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, người dân không được chủ quan, luôn luôn áp dụng biện pháp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là không tụ tập đông người. Đặc biệt trong lúc này, người dân không nên đi lại khi không cần thiết.
N. Huyền
PGS Trần Đắc Phu: Yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính mới cho vào địa phương là không cần thiết
Các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang... yêu cầu người dân không riêng ở TP.HCM mà cứ ngoại tỉnh muốn vào tỉnh cần có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính.
PGS.TS Trần Đắc Phu: 'Chưa thể sống chung với Covid-19 được'
Hiện số ca mắc đang cao nếu thả lỏng sẽ "vỡ trận" nên phải duy trì chiến lược như hiện nay sau đó chờ vắc xin. Khi nào tỷ lệ miễn dịch cộng đồng tăng cao thì khi đó mới có thể sống chung với Covid-19 được.