PGS.TS Trần Đắc Phu: 'Chưa thể sống chung với Covid-19 được'
Hiện số ca mắc đang cao nếu thả lỏng sẽ "vỡ trận" nên phải duy trì chiến lược như hiện nay sau đó chờ vắc xin. Khi nào tỷ lệ miễn dịch cộng đồng tăng cao thì khi đó mới có thể sống chung với Covid-19 được.
PGS, TS Trần Đắc Phu, chưa thể “sống chung với Covid- 19 được” (ảnh minh hoạ) |
Sau hai tuần thực hiện giãn cách xã hội lần 2, số ca nhiễm tại TP Hồ Chí Minh vẫn tăng cao, trong đó ngày 3/7 kỷ lục vượt mốc 700 ca nhiễm mới. Chỉ trong một tháng, vượt qua Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh ghi nhận tới hơn năm nghìn ca nhiễm, trở thành địa phương đứng đầu cả nước về tổng số ca mắc.
Trước tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng, tại buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 25/6,Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng đề xuất TP.HCM cần tính đến phương án 'sống chung' với dịch.
Trao đổi với phóng viên Infonet về đề xuất này, PGS, TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng “chưa thể sống chung với Covid-19”.
“Nếu để như thế thì Việt Nam sẽ vỡ trận. Như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… số ca mắc cao lên thì số chết sẽ tăng lên. Do đó, chúng ta vẫn phải khống chế làm giảm số mắc ở mức thấp nhất.
Hiện số ca mắc đang cao lên nếu thả lỏng sẽ vỡ trận hệ thống y tế nên theo tôi phải duy trì chiến lược phòng chống dịch như hiện nay sau đó chờ vắc xin, khi nào tỷ lệ miễn dịch cộng đồng tăng cao thì khi đó mới có thể sống chung với Covid-19 được”, ông Phu nhấn mạnh.
Khẳng định “không có gì bất thường” khi thời gian gần đây số ca mắc ở TP Hồ Chí Minh tăng mạnh, bởi theo PGS. TS Trần Đắc Phu “xét nghiệm nhiều thì ra nhiều”.
Vì TP Hồ Chí Minh là nơi có sự giao lưu đi lại rất lớn, hiện nay dịch đã lây lan âm thầm trong cộng đồng với nhiều chuỗi lây nhiễm khác nhau với đa nguồn lây, đa ổ dịch.
“Vừa qua chúng ta đã phát hiện lây tại cộng đồng dân cư, trong doanh nghiệp, khu chợ, nhiều bệnh viện,…Vì vậy, khi chúng ta xét nghiệm diện rộng tăng lên hàng ngày thì tất nhiên số có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ tăng lên”, ông Phu cho hay.
Theo ông Phu, cũng cần phân tích các ca được xác định dương tính là đang ở trong khu cách ly hay trong khu phong tỏa để đánh giá hiệu quả của việc giãn cách, phong tỏa đã chặt chưa, đã hạn chế được lây lan chưa?.
“Để đánh giá số ca dương tính trên thực tế tại cộng đồng có giảm đi một cách thực sự hay không để nhận định chính xác việc triển khai các biện pháp phòng bệnh có hiệu quả hay không, cần có phân tích dịch tễ thật kỹ càng. Trên cơ sở đó để quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp”, ông Phu cho hay.
Đánh giá TP Hồ Chí Minh đang chỉ đạo công tác phòng, chống dịch một cách đúng hướng, tuy nhiên PGS. TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý TP Hồ Chí Minh cho rằng việc xét nghiệm để truy vết là cần thiết nhưng cũng cần lưu ý không xét nghiệm tràn lan.
Theo đó, địa phương nên xét nghiệm theo nhóm nguy cơ, cân nhắc địa bàn nào xét nghiệm trước, địa bàn nào xét nghiệm sau, đối tượng nào xét nghiệm trước, đối tượng nào xét nghiệm sau.
Đặc biệt, việc xét nghiệm và trả kết quả phải nhanh, nếu trả kết quả chậm, việc can thiệp các ổ dịch có ca F0 bị chậm và việc đánh giá nguy cơ cũng bị sai lệch. Do đó, phải ưu tiên việc xét nghiệm cho từng đối tượng, từng địa bàn.
“Xét nghiệm không chỉ để phát hiện F0 để cách ly mà xét nghiệm còn để đánh giá thời gian qua phong toả, giãn cách đã chuẩn, đã hiệu quả chưa. Thứ hai để xác định được vùng có nguy cơ, vùng nguy cơ đến tận khu phố, thôn xóm, phường, xã, quận, huyện. Nơi nào nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, binh thường để có biện pháp can thiệp phù hợp vì hiện nay chưa thể phong tỏa toàn Thành phố được", ông Phu nhấn mạnh.
Với thực tế dịch đã lan rộng ra cộng đồng, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng các biện pháp phòng, chống dịch theo cách giãn cách, phong tỏa, thực hiện nghiêm ngặt 5K, cấm hoặc hạn chế đám đông, đi lại các vùng khi không cần thiết, hạn chế các sinh hoạt đối với các hoạt động trong môi trường kín… nghĩa là cần tìm ra những hoạt động nguy cơ cao gây lây lan dịch bệnh để cấm hoặc hạn chế, phong tỏa phải thực hiện “cửa đóng then cài” để không cho dịch bệnh lây từ người bệnh sang người lành, cắt đứt chuỗi lây nhiễm là quan trọng nhất và dịch sẽ giảm dần.
N. Huyền