'Sương mù não' sau mắc Covid-19
Sau mắc Covid-19 nhiều người rơi vào tình trạng nhớ nhớ, quên quên không thể tập trung vào công việc, hiệu suất làm việc giảm.
Chị Nguyễn Thu M. 34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội cho biết chị mắc Covid-19 hồi tháng 12, chị đã đi cách ly tập trung 10 ngày cùng với hai con nhỏ. Sau khi trở về cuộc sống bình thường, chị M. cảm nhận rõ những tác hại của Covid-19.
Có hôm chị M. chỉ lên công ty cầm đống giấy tờ phải hoàn thành về nhà tự làm. Chị cũng sợ lây bệnh cho bạn bè, đồng nghiệp vì cuối năm ai cũng bận bịu. Đến giờ, mọi người không sợ mắc bệnh sẽ trở nặng mà è dè phải cách ly ảnh hưởng tới người khác, công việc của họ.
Bản thân chị M., sau Covid-19 chị thường xuyên mất ngủ, nhớ nhớ, quên quên. Nhiều đêm chị không thể ngủ nằm xuống giường mà như có gì nặng nặng đè lên ngực.
Những ngày làm việc cuối năm, hồ sơ thầu chồng chất nhưng chị M. không thể làm việc được. Lúc nào chị cũng có cảm giác hồi hộp, lo lắng. Cứ mở giấy tờ ra xem xét thì cảm nhận rõ “tình trạng mất não”. Chị M. lên mạng tìm kiếm người ta nói nhiều tới hiện tượng sương mù não khiến chị lo lắng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới công việc của chị M. rất nhiều.
Hiện tượng sương mù não có nguy hiểm không? |
Chị Lê Thị Huyền T. 36 tuổi, trú tại Trần Bình Trọng, TP.HCM đã khỏi Covid-19 được 3 tháng. Tuy nhiên, 3 tháng qua là chuỗi ngày cực kỳ mệt mỏi của chị T. Chị T. kể cả nhà chị là F0 và bố chồng chị bị rất nặng đã phải vào viện cấp cứu, sau đó không qua khỏi. Từ sau khi có người thân qua đời vì Covid-19, chị T. luôn sống trong trạng thái lo lắng. Chồng chị lại đi công tác ở Nhật Bản đã hơn 1 năm không thể về nhà. Chị phải lo toan mọi việc cho gia đình.
Những sang chấn sau Covid-19 khiến chị T. rơi vào trầm cảm. Làm việc vô cùng mệt mỏi, không hiệu quả. Cửa hàng vải lụa của chị sau dịch mở lại nhưng chị T. cũng không tha thiết làm việc. Nhiều lần chị còn quên hàng của khách. Ở nhà cũng tương tự, chị rơi vào tình trạng nhớ nhớ quên quên.
Có lúc bật bếp ga lên rồi chẳng nhớ. Mẹ chồng chị mắc Covid-19 cũng thường xuyên mất ngủ và cảm thấy khó thở. Hai mẹ con chị T. đã cùng nhau đi kiểm tra sức khoẻ tổng thể, bác sĩ cho biết đó là di chứng hậu Covid-19. Do tình trạng mất ngủ kéo dài nên hai mẹ con chị T. chuyển sang điều trị mất ngủ ở chuyên khoa tâm thần.
Sương mù não có nguy hiểm?
BSCKII Huỳnh Thanh Hiển – Trưởng khoa Covid-19, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết thời gian qua số ca bệnh mất ngủ ảnh hưởng tâm lý do Covid-19 tới khám tăng hơn rất nhiều.
Bác sĩ Hiển cho biết tình trạng nhớ nhớ, quên quên, không thể tập trung cho công việc mà nhiều người cảm nhận rõ sau khi họ mắc Covid-19 thực ra đó không phải là bệnh lý tổn thương não mà chủ yếu do tâm lý. Nhiều người lo lắng thái quá, lo sợ Covid-19 dẫn tới rối loạn lo âu.
Những bệnh nhân này không chỉ có bệnh nhân bị Covid-19 nặng phải can thiệp thở oxy liều cao mà ngay cả bệnh nhân Covid-19 trước đó không có triệu chứng vẫn mắc phải.
Có trường hợp bệnh nhân điều trị tại cơ sở thu dung sau khi về nhà suốt mấy tháng đều không ngủ được, người gày rạc đi.
“Khi bạn bị rối loạn lo âu thì không thể tập trung cho công việc được, bạn cứ nghĩ tới vấn đề nào đó sẽ như đứa trẻ đi học không thể tiếp thu bài vì chúng đang nghĩ tới cái khác. Người lớn cũng thế. Điều này không phải do bệnh lý tổn thương não do Covid-19” – bác sĩ Hiển cho biết.
Nếu những người bị mất ngủ kéo dài, rối loạn lo âu sau Covid-19 có thể tới các chuyên khoa khám và kiểm tra. Việc điều trị chứng mất ngủ, lo âu này cũng giống như các bệnh nhân khác theo phác đồ. Với những người có kèm theo tổn thương phổi bác sĩ khuyến khích người bệnh phải tập thở hàng ngày từ 30 – 40 phút.
Để hạn chế các hiện tượng mất ngủ, rối loạn lo âu, bác sĩ Hiển cho biết người bệnh sau mắc Covid-19 vận động nhiều giúp cơ thể hoạt động, giảm căng thẳng như đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng.
Ngoài ra, vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng, hằng ngày cần bổ sung các thực phẩm như rau, trái cây… hạn chế dùng thịt đỏ và các loại đồ uống có chất kích thích như bia rượu, cà phê.
Khánh Chi