PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn chỉ ra những F0 mắc bệnh này cần phải đi khám ngay sau khi khỏi Covid-19
Khi mắc Covid-19 ông N.V.N nhận thấy những cơn đau ngực thoáng qua. Khỏi bệnh, đi khám sức khoẻ ông được phát hiện nhồi máu cơ tim phải đặt stent gấp.
Bệnh nhân N.V.N (70 tuổi, Hà Nội) mắc Covid-19. Trong suốt thời gian mắc bệnh ông đau đầu, nhức mỏi người, ngạt mũi, hiếm hoi lắm ông cảm giác hơi đau ngực.
Sau khi khỏi bệnh, ông N.V.N mới đến Bệnh viện Xanh Pôn khám. Tại đây, các bác sĩ thấy có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý liên quan đến tim mạch nên chỉ định làm xét nghiệm. Kết quả, bệnh nhân có chỉ số men tim tăng gấp nhiều lần so với chuẩn.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trên nền bệnh nhân đái tháo đường chỉ định can thiệp đặt stent gấp.
“Lý do bệnh nhân đau ngực nhưng không phát hiện ra vì tiền sử đái tháo đường lâu năm dẫn đến biến chứng thần kinh. Điều này khiến bệnh nhân không cảm nhận được những cơn đau”, TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn thông tin với phóng viên.
“Rất may bệnh nhân đã đến viện kịp thời, hiện sức khoẻ đã ổn định. Nếu gia đình chỉ chậm đưa bệnh nhân đi viện thì nguy cơ rất dễ bị đột tử tại nhà do nhồi máu cơ tim mà không phát hiện ra”, TS. BS Đỗ Đình Tùng cho hay.
PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn Đỗ Đình Tùng thăm khám cho bệnh nhân vừa khỏi Covid-19 |
PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, hiện số bệnh nhân đến viện khám kiểm tra sức khoẻ sau khi mắc Covid-19 tại bệnh viện gia tăng, trung bình khoảng 100 trường hợp. Số bệnh nhân đến khám chủ yếu có các biểu hiện ho kéo dài, tức ngực, mất ngủ, đau đầu, khó thở…
TS. BS Đỗ Đình Tùng lưu ý, cần phải hiểu giai đoạn Covid-19 cấp tính (đó là thời điểm test 2 vạch) với các triệu chứng ho, sốt, đau đầu, ngạt mũi, mất ngủ, đau thắt ngực, khó thở… có thể kéo dài đến 4 tuần. Tiếp đến là giai đoạn phục hồi từ tuần thứ 5 trở đi có thể xuất hiện các triệu chứng của hậu Covid-19, nhưng thông thường các triệu chứng hậu Covid-19 xuất hiện từ tháng thứ 3 (tuần 12 ) và kéo dài hai tháng không giải thích được bằng các nguyên nhân khác.
PGĐ BV Xanh Pôn lưu ý, ở giai đoạn phục hồi, nếu cựu F0 có biểu hiện bất thường thì nên đi kiểm tra sức khoẻ. Người trẻ khoẻ, không có bệnh lý nền, không có dấu hiệu bất thường thì không cần thiết phải đi khám kiểm tra sức khoẻ ngay sau khi mắc Covid-19.
Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh mãn tính, các bệnh không lây như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư, gout... trong thời gian mắc Covid-19 được điều trị ở nhà chưa có điều kiện kiểm tra sức khoẻ thì sau khi khỏi bệnh phải đi khám ngay. Tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng, biểu hiện để có những chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết.
Trả lời câu hỏi, vậy người bệnh khi đi khám sau khi khỏi Covid-19 có cần thiết phải chụp CT phổi hay không?
Trả lời câu hỏi này, TS. BS Đỗ Đình Tùng cho biết điều này phụ thuộc hoàn toàn vào các dấu hiệu của bệnh nhân.
“Không phải bệnh nhân nào cũng bắt buộc phải chụp CT phổi. Bác sĩ khám sẽ là người quyết định việc chụp XQ, tim phổi thường hay CT. Thông thường muốn phát hiện các tổn thương nhỏ, chi tiết hơn thì sẽ chỉ định CT, vì giá trị chẩn đoán của CT cao hơn”, TS. BS Đỗ Đình Tùng thông tin.
Ngoài ra, để hồi phục sức khoẻ nhanh sau khi mắc Covid-19, TS. BS Đỗ Đình Tùng cho rằng cựu F0 cần phải ăn uống đầy đủ, đa dạng dinh dưỡng, tăng cường 30% năng lượng so với bình thường và bổ sung thêm các vitamin cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.
Thứ hai, cựu F0 vẫn cần bổ sung đủ nước, nước giúp chuyển hoá nên rất cần. Do đó, không chỉ lúc mắc bệnh mới bổ sung nhiều nước mà ngay cả khi đã khỏi, F0 vẫn cần bổ sung từ 2l- 2,5l nước một ngày.
Thứ ba, cựu F0 vẫn cần duy trì chế độ luyện tập thể dục thể thao đều đặn với cường độ tăng dần, chú ý các động tác tập thở để có lồng ngực khoẻ hơn và nên theo hướng dẫn của các chuyên gia phục hồi chức năng hô hấp.
N. Huyền