Cô gái chạy trốn tình yêu vì lý do không thể ngờ
Từng có người yêu nhưng không thể nào quan hệ được, M. quyết định chia tay và mang nỗi mặc cảm vì dị tật không âm đạo của mình sang trời Tây…
Một ca tạo hình âm đạo được thực hiện tại BV E Trung ương. |
M. 26 tuổi (Quảng Ninh), từng có người yêu và đã từng quan hệ tình dục nhưng rất khó khăn vì âm đạo quá ngắn. 6 năm trước, M. đi khám, các bác sĩ sản khoa kết luận cô bị dị tật âm đạo. Thời điểm ấy, khoa học, kỹ thuật chưa phát triển nên bác sĩ cho biết “không hy vọng gì nhiều”.
Quyết định chia tay người yêu. Nhằm quên đi mối tình sâu đậm từ thời thanh mai trúc mã, quên đi dị tật của bản thân, M. săn học bổng Úc.
Sau khi kết thúc khoá học cô ở lại đất nước chuột túi làm việc mà không quay lại Việt Nam. Cuối năm 2019 do dịch Covid- 19, cô về nước và “kẹt” lại quê nhà.
“Đây cũng là thời gian em có cơ hội tìm hiểu về căn bệnh mình không may mắc phải, dù khi ở nước ngoài em biết có thể phẫu thuật được. Nhưng kinh phí cho ca phẫu thuật này đối với một sinh viên mới ra trường như em không thể chi trả nổi.
Rất may, sau quá trình tìm hiểu em biết ở Việt Nam cũng có thể thực hiện được”, M. chia sẻ.
Cô quyết định tìm đến Bệnh viện E với mong muốn được trở thành “đàn bà” đúng nghĩa.
Chia sẻ với phóng viên Infonet, Ths. BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E Trung ương, người thực hiện ca mổ cho M. vào chiều 20/4 cho biết: kết quả thăm khám cho thấy ống âm đạo của bệnh nhân chỉ là dải xơ ngắn. Ngoài ra, bệnh nhân không có tử cung dù kết quả xét nghiệm nhiễm sắc thể xác định bệnh nhân mang giới tính nữ.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tạo hình âm đạo. Rất may trong quá trình phẫu thuật kíp mổ phát hiện chất lượng buồng trứng của bệnh nhân rất tốt.
“Chúng tôi đã tư vấn cho bệnh nhân nếu sau này muốn có con vẫn có thể thực hiện bằng biện pháp mang thai hộ. Điều này mở ra giải pháp rất tốt đối với người có dị tật âm đạo, không chỉ giúp bệnh nhân có thể quan hệ tình dục bình thường được mà còn có thể thực hiện được thiên chức làm mẹ”, BS Nguyễn Đình Liên cho hay.
Nói thêm về tình trạng dị tật âm đạo, Ths. Bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện E Trung ương cho biết, theo y văn thế giới, đây là hội chứng dị tật âm đạo bẩm sinh sẽ khiến âm đạo, tử cung không phát triển.
Tình trạng nữ giới không có âm đạo chiếm tỉ lệ khoảng 1/4.000 tới 1/10.000, nghĩa là, cứ 4.000 trẻ em sinh ra thì có 1 bé không có âm đạo. Bệnh nhân vẫn có 2 buồng trứng, các hormone giới tính trong giới hạn bình thường. Các bộ phận khác trên cơ thể bé gái mắc bệnh vẫn phát triển bình thường nhưng lại không có cơ quan sinh dục.
Đây là một bệnh bẩm sinh của đường sinh dục nữ mà nguyên nhân chưa được rõ ràng.
Qua trường hợp bệnh nhân M., BS Nguyễn Đình Liên khuyến cáo, nên giáo dục giới tính học đường tốt để có thể tầm soát, phát hiện dị tật. Với những trường hợp trẻ bị dị tật đường sinh dục có thể được điều trị sớm, tránh những sang chấn tâm lý.
“Bởi vì nếu biết sớm, bệnh nhân chủ động tìm đến bác sĩ thì họ không phải trải qua thời gian dài chịu đựng, sống trong mặc cảm, tự ti không kém phần đau khổ.
Thậm chí, qua trường hợp này có thể mở ra tia hy vọng cho những bệnh nhân dị tật âm đạo vẫn có thể có hạnh phúc gia đình, thậm chí có thể có con”, BS Liên cho biết.
Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Đình Liên cũng khuyến cáo mọi bất thường ở cơ quan sinh sản cần được thăm khám sớm, tránh tâm lý e ngại. Đặc biệt, những phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được… đều phải thăm khám sớm để có hướng điều trị kịp thời.
"Tính nhân văn của việc tạo hình thành công âm đạo sẽ giúp cải thiện chất lượng sống của những người phụ nữ kém may mắn này, giúp họ có thể tự tin trong đời sống tình dục, tạo cơ hội có thể thụ tinh nhân tạo và có con nhờ mang thai hộ"- bác sĩ Minh chia sẻ.
N. Huyền