Ám ảnh béo phì, ăn rất nhiều lại móc họng để nôn, uống thuốc xổ thức ăn
Sợ hãi tăng cân béo phì nhưng bản thân không kiểm soát được việc ăn uống nên mỗi lần ăn nhiều chị Mai lại uống thuốc giảm cân, uống thuốc xổ thậm chí móc họng để nôn thức ăn ra.
Ăn vô độ vì stress
Chị Phạm Thị Thanh Mai (tên nhân vật đã thay đổi, 33 tuổi, Hà Nội) luôn ám ảnh vì cân nặng của mình. Chị Mai cao 1,51cm nhưng nặng tới 58 kg. Người chị lúc nào cũng tròn núc ních. Hơn 1 năm nay chị Mai ở nhà vì nghỉ dịch và trông con thì càng tăng cân hơn.
Ở nhà, chị làm thêm một vài việc khác và chăm hai con nhỏ 3 tuổi, 5 tuổi trong đó 1 bé bị tăng động giảm chú ý. Con quá nghịch khiến bà mẹ này stress.
Khi stress, chị Mai rơi vào cảnh ăn uống nhiều vô độ không kiểm soát được, lúc nào cũng thèm ăn. Ăn lại tăng cân, sợ hãi chị Mai mua đủ thứ thuốc giảm cân, thuốc xổ. Chị uống thải độc thức ăn ra. Trên mạng bán thuốc “ăn ngon không lo béo” chị Mai cũng mua về thử.
Uống sau khi ăn chỉ 4-5 tiếng sau chị sẽ bị kích thích đau bụng và tiêu chảy tống hết thức ăn mà chị đã ăn trước đó ra. Có hôm chị Mai lùa bàn chải đánh răng vào cuống họng để nôn bằng được đồ ăn.
Gần đây, chị thường xuyên đau tức ngực, cảm giác khó thở. Chị Mai tưởng mình bị bệnh tim nên đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ cho biết chị bị loét dạ dày thực quản kèm theo trào ngược thực quản.
Lúc này, chị mai mới nói về tình trạng ăn uống và móc họng ra để đẩy thức ăn ra ngoài vì sợ béo. Sau khi điều trị dạ dày thực quản, bác sĩ khuyên chị Mai nên tìm bác sĩ tâm lý vì có dấu hiệu trầm cảm.
PGS BS Nguyễn Anh Tuấn – Phó viện trưởng viện phẫu thuật tiêu hóa Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết thói quen ăn uống vô độ không kiểm soát không phải hiếm gặp. BS Tuấn cho biết hay gặp nhất ở nữ giới và các bé gái ở lứa tuổi dậy thì.
Người bệnh ăn uống vô độ sau đó họ sợ hãi và tìm mọi cách để thải thức ăn ra ngoài như uống thuốc nhuận tràng, móc họng để nôn thậm chí uống thuốc để nôn và tập luyện thể thao quá sức.
Ảnh minh hoạ. |
Nếu cứ ăn uống quá mức lại sợ hãi áp dụng các biện pháp trên thì người bệnh không dừng lại ở mức ăn uống vô độ quá mức mà nó còn là trạng thái như chứng bệnh tâm thần.
Ăn nhiều kiểu bệnh lý
Theo PGS Tuấn, chứng cuồng ăn biểu hiện:
Thứ nhất, người đó thiếu kiểm soát ăn uống dù bạn cố gắng, không ngừng được câu chuyện ăn uống ăn tới mức quá no cơ thể chướng bụng lên, đau bụng nhưng vẫn muốn ăn tiếp.
Thứ hai, người đó luôn tìm cách giấu cách ăn uống của mình, ăn vụng, giấu kín không muốn sự có mặt của người khác.
Thứ ba, khi ăn uống vô độ xong sợ hãi gây ra tăng cân, béo phì nên đến giai đoạn cực đoan không ăn gì hoặc tìm mọi cách nôn ói, loại bỏ thức ăn ra khỏi cơ thể. Các hành động này đều giấu không để ai biết.
Thứ tư, ăn xong sợ béo tập luyện luôn và tập với cường độ rất mạnh để giảm cân.
Với đủ nỗ lực đó họ đều không giảm cân và lo lắng sợ hãi và dẫn tới chứng bệnh tâm thần cuồng ăn vô độ.
Nguyên nhân của bệnh này, PGS tuấn cho biết chủ yếu là do tâm lý. Người bệnh bị rối loạn cảm xúc. Có những người bị stress, lo lắng quá mức, trầm cảm. PGS Tuấn cho rằng trầm cảm cũng là nguyên nhân khiến người bệnh ăn vô độ.
Ở trẻ ăn vô độ là những trẻ bị chấn thương về tâm thần như bị lạm dụng tình dục, bố mẹ hắt hủi, đánh đập, bố mẹ sử dụng chất kích thích cũng là nguyên nhân khiến trẻ cuồng ăn vô độ.
Khi mắc chứng này, người bệnh đặt mình vào tình huống nguy hiểm. Cơ thể có thể dẫn tới tình trạng rối loạn điện giải, giảm kali máu do thuốc lợi tiểu, kích thích nôn, nhuận tràng… khiến cơ thể mệt mỏi, yếu, chân tây run, suy thận, rối loạn nhịp tim. Ở trẻ nhỏ nếu các cháu lo lắng giấu bố mẹ thì càng nguy hiểm hơn.
Khi bạn ăn vô độ rồi tìm cách nôn, móc họng còn gây nên tình trạng loét thực quản, trào ngược dạ dày thực quản, tăng áp lực mạch máu do nôn nhiều…
Ăn uống vô độ gây tăng cân mất kiểm soát dẫn tới tình trạng tăng cân càng nhanh. PGS Tuấn từng gặp có học sinh đến khám béo phì chia sẻ cháu tăng 20kg trong mùa nghỉ hè hoặc có cháu ở Mỹ về vì phải cách ly và tăng tới 30 kg trong vài tháng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều cơ thể, ảnh hưởng phát triển chiều cao, rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, rụng tóc, táo bón do lạm dụng thuốc nhuận tràng…
PGS Tuấn cho biết nếu cha mẹ hoặc bản thân người bệnh thấy mình ăn uống vô độ cần đi khám bác sĩ để được hỗ trợ về mặt tâm lý. Nếu hỗ trợ tâm lý tốt thì sẽ có hiệu quả.
PGS Tuấn cho rằng bản thân người bệnh cần có các biện pháp từ bản thân mình: Thừa nhận bản thân có vấn đề, ăn uống một cách bệnh lý, trao đổi với người thân để có sự hỗ trợ, tránh xa các nơi có thể ăn uống nhiều như các khu ăn vặt để bỏ dần việc ăn uống.
Khánh Chi