Khoảng lặng Trường Sa
Một sáng tinh mơ trước khi những chiếc xuồng CQ được hạ thủy chở đoàn công tác vào đảo Đá Tây B thì trên bầu trời bỗng vắt ngang một chiếc cầu vồng rực rỡ, in bóng xuống lòng biển xanh tạo nên bức tranh đẹp lóng lánh đến khó tả. Kéo nhau ra boong tàu ngắm bức họa thiên nhiên, nhiều người kháo nhau, đó là điềm lành cho cuộc hành trình, còn với chúng tôi, sắc cầu vồng lại được so sánh và ví như ý chí, nghị lực và dáng đứng của những người canh biển.
Đại úy Phan Quang Ninh. |
Bão lòng trào dâng!
Đảo Đá Lát B “đón” chúng tôi bằng một trận mưa như trút nước. Trong bộ quân phục ướt sũng, tôi lại được nghe cán bộ, chiến sĩ nơi đây kể lại một câu chuyện khiến lòng mình đổ thêm những cơn mưa, trào dâng những đợt bão sóng...
Đó là câu chuyện về sự hy sinh của một người đồng đội...
Khoảng cuối tháng 3-2006 có đợt thay quân, chiến sĩ Quách Hoàng Lâm đến với đảo Đá Tây. Chàng trai sinh năm 1984, quê ở phường 16, quận 10, TP Hồ Chí Minh có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Mẹ của Lâm tần tảo lo cho Lâm ăn học và nuôi anh trai Lâm bệnh tật. Học xong lớp 12, không có điều kiện vào đại học, Lâm nhập ngũ rồi nhận nhiệm vụ ra Trường Sa công tác.
Đêm 4-8-2006, biển động dữ dội. Giữa đêm tối, khi Lâm và đồng đội đi tuần tra thì bất ngờ một cơn sóng lớn ập vào, cuốn anh ra biển mất hút. Cả đơn vị huy động để tìm và cứu Lâm nhưng vô vọng. Đến giữa trưa ngày hôm sau, một con sóng lớn đã “trả” Lâm lại cho đồng đội… Đại úy Phan Quang Ninh, Chính trị viên điểm đảo Đá Tây B, trải lòng:
- Nghe các anh kể lại: “Ngày đó cả đảo, cả công nhân đèn biển Đá Tây đều bỏ ăn, bỏ ngủ vì ai cũng thương xót Lâm. Em còn trẻ quá, mới đến đảo hơn mười ngày, chiếc tàu chở em chưa về đến đất liền mà Lâm đã vĩnh viễn ra đi”.
Giữa đảo chìm đầy khó khăn, không tìm đâu ra gỗ, đồng đội phải tháo những thanh gỗ chứa đạn DKZ để cưa cắt, ghép lại, đóng thành chiếc áo quan cho Lâm. Không có sơn đỏ, anh em dùng sơn xanh để sơn lên chiếc quan tài. Nhiều đồng đội đã dành nhiều thời gian để vẽ lên phần đầu chiếc quan tài hình cờ đỏ sao vàng được bao quanh bởi hai nhành lúa như hình quốc huy trên chiếc mũ bộ đội Hải quân. Anh em tự tay mặc cho Lâm bộ quân phục Hải quân mới nhất và khâm liệm. Muốn chôn cất Lâm phải chở quan tài sang đảo Trường Sa Đông mới có đất, nhưng thật xót xa vì biển động dữ dội đến ba ngày liền. Chiếc tàu trực Trường Sa 18 neo mấy ngày trời vẫn không thả được xuồng vào đảo vì sóng quá lớn. Mãi đến trưa ngày thứ tư kể từ khi tìm được thi thể Lâm, chúng tôi mới đưa được quan tài sang Trường Sa Đông...
Nghe câu chuyện về Lâm, lòng chúng tôi cảm giác đau như xát muối. Có hy sinh nào đẹp hơn thế, có niềm đau nào đau hơn thế cho những người ở lại. Nghĩ đến đây, hình như tất cả các đợt sóng cấp 7, cấp 8 của biển đang hoành hành ngoài kia bỗng trở nên yếu ớt so với cơn bão trong lòng tôi!
Cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa ở Đảo Đá Tây B. |
“Khoảng lặng” của biển và người!
Dù có hy sinh mất mát, nhưng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vẫn luôn vững tin bảo vệ nơi địa đầu Tổ quốc. Khi chúng tôi hỏi về nguyện vọng cá nhân, Thiếu tá QNCN Lê Văn Hiến, nhân viên cơ yếu trên Đảo Đá Tây B - năm nay là năm thứ 2 anh ăn Tết ngoài đảo (gia đình đều ở miền Bắc)- anh khảng khái:
- Mình là bộ đội mà em! Phải đặt nhiệm vụ Tổ quốc, Quân đội, nhân dân giao phó lên trên hết! Ai cũng nghĩ về bản thân thì ai sẽ chọn việc mình đang chọn.
Thượng úy Bùi Duy Việt, Đảo trưởng Đảo Đá Tây B rắn rỏi hơn so với tuổi. Anh tâm niệm: “Đã xác định cuộc đời gắn bó với biển đảo thì phải xem “đảo là nhà, biển là quê hương”. Tuy vậy, vẫn có một nét buồn thoáng qua mặt người sĩ quan trẻ. Vào dịp Tết không phải là không có những lúc nhớ nhà, nhớ gia đình và người thân. Nhất là điều ước bình dị của anh chưa thành hiện thực. Anh có đứa con đầu lòng chưa tròn 1 tháng tuổi mà anh chưa một lần thấy mặt. Anh thổ lộ: “Cháu được sinh khi mình ở ngoài đảo này. Bây giờ nếu có điều ước, mình chỉ ước được ôm con vào lòng”.
Cũng như Việt, Đại úy Phan Quang Ninh, Chính trị viên Đảo Đá Tây B đã một lần không được ở cạnh vợ lúc chị sinh hạ con đầu lòng. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, “mái ấm nhỏ” của anh phải tá túc khi thì bên nội, lúc bên ngoại. Năm nay, anh Ninh một lần nữa sẽ không được thấy mặt người con thứ 2 khi vợ anh sắp sinh sau 1 tháng nữa.
Đến với Đá Tây, tôi cảm nhận những khoảng lặng, hy sinh của người lính Hải quân là quá nhiều, quá lớn. Nhìn anh Ninh đứng lặng đưa mắt nhìn ra xa, rồi bất chợt anh nói với tôi, mà như thì thầm với biển: “Bình yên! Giá như biển cứ bình yên như thế này thì hay biết mấy (!)
Bài và ảnh: TẤN TUÂN – TUẤN SƠN/ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN