Khoản thu đầu năm: Ngậm bồ hòn không thấy ngọt
Sổ liên lạc điện tử: Ngót nghét 30 triệu đồng/1 năm/1 lớp
Vào đầu năm học mới, không ít trường học ở Thành phố nhờ xã hội hóa mà trường lớp khang trang, cơ sở vật chất hiện đại hơn, nhưng cũng từ việc xã hội hóa ấy, nhiều trường đã khiến các khoản thu trở thành nỗi ám ảnh, lo lắng cho các bậc phụ huynh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Chị Nguyễn Thị Thanh, ở quận Thanh Xuân THCS Láng Hạ phản ánh phải đóng góp gần hơn 2 triệu đồng vào đầu năm học mới, trong cuộc họp phụ huynh. Chị Thanh cho biết: “Ngoài tiền học ngoại ngữ, gia đình còn đóng những khoản phí có lý do là nhằm nâng cấp trang bị phòng học. Mỗi phòng học sẽ được lắp máy điều hòa không khí, màn hình ti vi, máy chiếu, bàn ghế mới, cửa lớp mới... Tính bình quân, mỗi học sinh phải đóng tới gần 2 triệu đồng tự nguyện cho nhà trường. Riêng khoản thu màn hình ti vi tôi thấy hơi thừa, vì các cháu đến lớp để học, chứ thời gian đâu mà xem ti vi?"
Cùng với khoản đóng góp ở trường, đầu năm học phụ huynh còn phải mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục cho trẻ nên gánh nặng tiền nong càng lớn và tốn kém… Vì vậy, gia đình có 2 đứa đi học cứ đầu năm lại lo nơp nớp các khoản đóng, nhiều gia đình không kiếm ra tiền quả thật đây là một gánh nặng. Chị Thanh kiến nghị, nhà trường không nên thu một lần vào đầu năm học mà có thể thu theo từng tháng để giảm áp lực cho phụ huynh...
Nhiều phụ huynh vất vả vì các khoản lạm thu đầu năm học |
Còn anh Hải, một phụ huynh ở Hai Bà Trưng có con học Trường tiểu học Ngô Thì Nhậm chia sẻ: “Có con lên lớp 4 nên tôi đã đi họp nhiều cuộc họp phụ huynh đầu năm. Thú thực là chỉ được nghe thông báo các khoản đóng góp cứ tăng dần hằng năm. Năm ngoái các khoản học phí, xây dựng trường, phí sổ điện tử liên lạc, mua sắm bàn ghế, học tiếng Anh… mất hơn 1 triệu đồng, năm nay đã tăng lên 1,5 triệu đồng. Nhìn vào các khoản đóng mà chóng cả mặt. Có nhiều khoản mình không đồng tình nhưng cũng ngậm bồ hòn, vì sợ con mình bị phân biệt đối xử… ”.
Anh Hải liệt kê một số khoản tiền đóng góp quỹ lớp 50.000 đồng/hs/học kỳ, bảo hiểm thân thể 50.000 đồng/hs/học kỳ; các khoản xây dựng trường 70.000 đồng/hs/học kỳ, sổ liên lạc điện tử 50.000 đồng/hs/tháng, học tiếng anh 850.000 đồng/ học kỳ, bảo hiểm y tế 290.000 đồng/hs… Cộng các khoản thu lại mất tới ngót 1,5 triệu đồng.
“Tôi thấy khoản thu sổ liên lạc điện tử là bất hợp lý, vì một lớp có khoảng 60 học sinh, nhà trường thu mỗi tháng 50.000 đồng/học sinh. Như vậy cả năm cũng ngót 30 triệu đồng, tôi không hiểu nhà trường thu nhiều vậy để làm gì? Trong khi đó, số liên lạc không phát huy hiệu quả. Phụ huynh chúng tôi không nhận được liên lạc từ thầy cô giáo hoặc nếu có nhận được thì quá muộn, tận 8h sáng hôm sau… để phụ huynh chuẩn bị đồ đạc học tập cho con học” – Anh Hải cho biết.
Thành lập đường dây nóng: Phụ huynh vẫn dè dặt
Theo lãnh đạo một số trường học, chi phí hoạt động của các trường hiện nay không đến mức khó khăn, bởi ngân sách cấp cho nhà trường, ngoài đảm bảo chi lương còn có 25% chi thường xuyên. Thế nhưng, vấn đề nảy sinh khi ở những thành phố lớn, nhiều gia đình có điều kiện với mong muốn con mình có môi trường học tập tốt hơn sẵn sàng đề nghị được đóng góp, có thể để lớp học của con được trang bị thêm điều hòa, sàn gỗ, thậm chí ti vi hay máy chiếu...
Theo khảo sát của PV, lãnh đạo một số trường học lý giải cho việc các trường "vẽ" ra đủ kiểu thu. Hiện nay, ngoài mức thu học phí thì các khoản thu theo quy định của thành phố đã quá cũ, nếu các trường chỉ trông chờ vào khoản thu này để hoạt động thì vô cùng khó khăn.
Các khoản thu khác, nhiều trường không hề công khai minh bạch |
Chính vì thế mới phát sinh các khoản thu không có trong quy định trên tinh thần thỏa thuận với cha mẹ học sinh. Thế nhưng, mỗi trường “lách” một kiểu không ai quản lý, nên mới dẫn tới hàng chục các khoản thu bất hợp lý khiến cho không ít phụ huynh lo lắng.
Trong một lớp học, nếu có đến 70% phụ huynh kinh tế khá giả thì còn lại vẫn là các học sinh gia đình khó khăn. Vì vậy, các phụ huynh cho rằng, không nên đánh đồng thu bình quân hoặc không thu 100% số học sinh. Việc công khai cũng cần thiết để đảm bảo tránh lạm thu của các nhà trường.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Tiếng nói của phụ huynh học sinh rất quan trọng để phán ánh tình trạng lạm thu. Ngành giáo dục cần nhận được sự phối hợp, tham gia phát hiện của cha mẹ học sinh.
Nhưng, một thực tế đang tồn tại là, vì muôn vàn lý do nhạy cảm, hầu hết phụ huynh dù có bức xúc cũng không dám phản ánh tình trạng lạm thu của trường, vì sợ con em mình bị trù dập. Từ thực tế này, nhiều người đặt câu hỏi, nên chăng có một địa chỉ đỏ thực sự tin cậy để phụ huynh gửi gắm những nỗi niềm lạm thu?”
Năm học 2013-2014, Sở GD&ĐT Hà Nội tuyên bố danh bạ các cán bộ, chuyên viên của Sở được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của ngành chính là đường dây nóng sẵn sàng tiếp nhận mọi bằng chứng sai phạm về công tác thu chi. Cùng với các văn bản quy định mức thu ngoài học phí, việc thành lập đường dây nóng có thể nói là động thái mạnh mẽ của ngành giáo dục Thủ đô trong việc kiên quyết nói không với lạm thu. Nếu các địa phương đều lập đường dây nóng, tình trạng “lạm thu” sẽ giảm mỗi đầu năm học mới.