Khoa học công nghệ đóng góp hiệu quả vào nền kinh tế
Đòn bẩy đưa nền kinh tế bứt phá
Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023 vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội ngày 28/12/2022.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, năm 2022 được Bộ xác định là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đặt ra nhiều mục tiêu như: Phấn đấu tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức 50% (chỉ số này giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 45,7%). Đóng góp được ghi nhận thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học; hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Các nguồn lực sẽ được huy động đa dạng để đầu tư, phát triển tiềm lực, mục tiêu đến 2025 đầu tư cho khoa học và công nghệ, đạt 1,2 - 1,5% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8 - 1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60% - 65%.
Cũng trong năm 2023, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng tối thiểu 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 30%.
Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm đòn bẩy đưa nền kinh tế bứt phá, Bộ Khoa học và Công nghệ đặt ra có một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Trong đó đáng chú ý là: Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Sắp xếp hệ thống tổ chức công lập theo Quy hoạch Mạng lưới tổ chức khoa học công nghệ đã được phê duyệt, phù hợp với định hướng phát triển, kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng và gắn kết nghiên cứu với đào tạo; Nghiên cứu đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off); Đẩy mạnh phát triển thị trường, doanh nghiệp và dịch vụ khoa học công nghệ, cùng thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường…
Những việc cần làm của Bộ Khoa học và Công nghệ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, khoa học công nghệ, đặc biệt là các hoạt động đổi mới sáng tạo đã góp phần không nhỏ vào thành tích tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% năm 2022. Ứng dụng công nghệ mới tại các ngành, doanh nghiệp đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Yếu tố dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo luôn đóng vai trò quan trọng, quyết định việc có đạt được các mục tiêu đặt ra đối với phát triển kinh tế hay không.
Phó Thủ tướng chỉ rõ 5 nhiệm vụ cơ bản của Bộ Khoa học và Công nghệ trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Cụ thể: Nghiên cứu để hình thành hệ thống văn bản pháp lý thực sự hiệu lực, để các nhà khoa học không phải lo hóa đơn, chứng từ quá nhiều; Phát triển hệ thống thông tin quản lý khoa học và công nghệ theo hướng công khai, minh bạch trong mọi khâu từ giao đề tài, phản biện, nghiệm thu; Chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực khoa học xã hội, chính trị, quản lý; Cần đi đầu và đóng vai trò nòng cốt trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Làm rõ khái niệm năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) mang tính dài hạn.
"Bộ Khoa học và Công nghệ đã “thắp lên ngọn đuốc” khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lan tỏa ra các bộ, ngành, địa phương và phải tiếp tục là nòng cốt cho phong trào này. Tới đây, khi được chính thức giao nhiệm vụ quản lý về đổi mới sáng tạo, Bộ cần nỗ lực hơn nữa vì đây là trách nhiệm rất nặng nề, phức tạp, có nhiều chỉ số cần phải cải thiện như môi trường pháp lý, nhân lực, tỷ lệ sinh viên nước ngoài/sinh viên bản địa, hạ tầng môi trường, sinh thái, số bài báo khoa học, xuất khẩu sản phẩm có sở hữu trí tuệ và văn hóa… Trước đây, Bộ Khoa học và Công nghệ mới chỉ chú ý đến yếu tố công nghệ, tới đây cần nghiên cứu sâu hơn về khoa học quản lý liên quan đến cơ cấu nền kinh tế, lực lượng lao động”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.
Việt Hà