Thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển khoa học, công nghệ
Sáng 10/12/2022, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững”.
Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức với sự tài trợ của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Aus4innovation).
Mục đích nhằm thúc đẩy đầu tư của khối tư nhân trong việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam một cách hiệu quả, góp phần kiến tạo chính sách mới về huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo ra tác động lớn hơn tới xã hội, môi trường và kinh tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có nhiều phát triển vượt bậc, khẳng định vai trò là nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của quốc gia. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển chưa nhiều và việc sử dụng quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp còn hạn chế. Tăng cường đầu tư tư nhân trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững là yếu tố sống còn để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.
“Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn biến sôi động, chúng ta đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức phát triển đan xen. Để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần huy động tổng lực cả ngân sách và nguồn lực tư nhân để đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia đến từ UNDP, việc thực hiện một chương trình thí điểm đẩy mạnh hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; khuyến khích viện nghiên cứu, trường đại học thu hút đầu tư tư nhân vào các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết.
“Một chương trình thí điểm hợp tác công - tư được điều chỉnh phù hợp cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo có thể giúp tập trung và tận dụng các nguồn lực, đồng thời cải thiện hợp tác giữa các chủ thể nghiên cứu thuộc khu vực công và doanh nghiệp, bao gồm cả các công ty nước ngoài. Để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu đầu tư vào KH&CN, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao và sáng tạo và các ngành công nghiệp bổ trợ, cần sử dụng một loạt các ưu đãi để thu hút vốn đầu tư, cả từ trong nước và các nguồn lực nước ngoài, vào các lĩnh vực ưu tiên này”, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam khuyến nghị.
Tại hội thảo, UNDP cũng đã công bố Bản đồ cơ hội đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tại Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng Bản đồ này sẽ giúp định hướng cho khu vực tư nhân về các lĩnh vực đang cần đầu tư nhất trong nước và khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây cũng là thông tin hữu ích với các nhà hoạch định chính sách mong muốn xây dựng khung chính sách tiến bộ, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định, nghiên cứu của UNDP đã mang lại cái nhìn toàn diện về các cơ hội đầu tư cho các ngành nghề, lĩnh vực hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Các cơ hội đầu tư đều hướng đến tận dụng các nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị UNDP tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam xây dựng Bản đồ cơ hội đầu tư năm 2023 theo hướng mở rộng thêm các ngành nghề, lĩnh vực khác chứ không dừng lại ở 6 ngành (giáo dục; chăm sóc sức khỏe; thực phẩm và đồ uống; hạ tầng; năng lượng tái tạo và thay thế; tài chính) như hiện nay.
Bình Minh