Khám cho trẻ viêm phế quản, bác sĩ bất ngờ với túi thuốc mẹ tự mua
Thời tiết giao mùa sẽ khiến gia tăng các bệnh lý viêm phế quản ở trẻ nhỏ.
Tuần trước thấy con 9 tháng tuổi bị ho và xổ mũi, chị Hoàng Thuý Hà (24 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã tự mua thuốc theo đơn lấy từ hội nhóm nuôi con trên mạng xã hội về cho con uống.
Tuy nhiên, sau 1 tuần dùng thuốc mà con vẫn không thuyên giảm tình trạng bệnh mà còn có xu hướng nặng thêm như nước mũi keo đặc, sốt, ho, thở rít.
Mặc dù nhiều ngày chần chừ không cho con đi khám vì lo ngại tình trạng dịch bệnh nhưng cuối cùng chị cũng phải bế con tới bác sĩ chuyên khoa.
Trực tiếp khám cho con chị Hà, PGS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc BV Đa khoa An Việt Hà Nội cho biết bé đã có hiện tượng viêm phổi, viêm phế quản. Túi thuốc mà chị Hà cho con uống có tới 2, 3 loại kháng sinh khác nhau và siro ho. Đặc biệt, có loại kháng sinh chuyên trị bệnh viêm đường tiết niệu.
Theo PGS Hoài An, thói quen thấy con ho là đi mua thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh khiến điều trị bệnh không dứt và tăng biến chứng nhất là trong thời tiết giao mùa như hiện nay.
Khi thời tiết giao mùa, tỉ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về đường hô hấp tăng cao, phổ biến là cảm lạnh thông thường, viêm phế quản, hen phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi... Trong đó viêm phế quản là hay gặp nhất.
Cũng như các bệnh lý viêm nhiễm hô hấp phổ biến nhất, viêm phế quản lây qua đường hô hấp thông qua các giọt dịch tiết (nước mũi, nước miếng, đờm...) mà người bệnh thải ra, người khác hít vào hoặc chạm vào rồi đưa lên miệng, mũi.
PGS Hoài An khám cho bệnh nhi. |
Phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu của viêm phế quản:
Ho: Là một triệu chứng không đặc hiệu, nó thể hiện có tình trạng viêm ở đâu đó trên đường hô hấp từ mũi họng xuống đến phổi. Ho có thể là ho khan hay ho đờm, có cơn hay ho từng tiếng...
Sốt: Sốt cao, sốt nhẹ hoặc không sốt, sốt cơn hoặc liên tục.
Xổ mũi, nghẹt mũi.
Tiết đờm: Đờm là dịch tiết của đường hô hấp, là sản phẩm của phản ứng viêm. Đờm có thể có màu xanh, vàng hay trắng, màu đờm không giúp phân biệt viêm nhiễm này là do vi khuẩn hay vi rút.
Khò khè: Là do lòng phế quản bị thu hẹp do phù nề thành phế quản, co thắt cơ trơn phế quản, đờm trong lòng phế quản... Tiếng khò khè được phát ra do không khí qua lại khe hẹp phát ra tiếng. Cần phân biệt với tiếng khụt khịt mũi do đang bị viêm mũi phát ra. Nếu nghẹt mũi thì thường xảy ra ban đêm, lúc nằm, tiếng khò khè phát ra gần ngay mũi miệng. Tiếng khò khè trong bệnh viêm phế quản khác với khò khè trong hen phế quản ở chỗ khò khè này không hoặc đáp ứng kém với thuốc khí dung (salbutamol).
Các triệu chứng khác, trẻ sẽ thở nhanh- khó thở ít gặp đối với viêm phế quản thông thường. Nếu có thở nhanh - khó thở cần phân biệt với các bệnh lý khác nghiêm trọng hơn như: viêm phổi, hen, dị vật đường thở...
PGS Hoài An lưu ý, hơn 90% viêm phế quản là do vi rút nên trong nhiều trường hợp viêm phế quản không cần điều trị kháng sinh.
Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ điểm nhiễm trùng do vi khuẩn như tổng trạng xấu, sốt kéo dài, khạc đờm xanh, đờm vàng, hoặc đờm mủ, hoặc những trường hợp viêm phế quản cấp ở người có kèm bệnh tim, phổi, thận, gan, thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch;...
Với trẻ nhỏ, sau khi ho, sốt cần liên hệ các bác sĩ để được tư vấn kịp thời. Nếu trẻ cần điều trị kháng sinh bác sĩ sẽ kê đơn thay vì cha mẹ tự mua.
K.Chi