Khái niệm về "vùng" trong Công ước Luật biển 1982?
Trả lời:
Khái niệm này được sách "100 câu hỏi đáp về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" lý giải như sau:
Điều 1 Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa rõ thuật ngữ “Vùng” là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia” (có thể hiểu là nằm bên ngoài thềm lục địa của quốc gia ven biển). Vùng và tài nguyên của nó là di sản chung của loài người (điều 136 của Công ước) và do vậy “không một quốc gia nào có thể đòi hỏi thực hiện chủ quyền hay các quyền chủ quyền ở một bộ phận nào đó của Vùng hoặc đối với tài nguyên của Vùng; không một quốc gia nào và không một tự nhiên nhân hay pháp nhân nào có thể chiếm đoạt bất cứ một phần nào đó của Vùng hoặc tài nguyên của Vùng. Không một yêu sách, một việc thực hiện chủ quyền hay các quyền thuộc chủ quyền nào, cũng như không một hành động chiếm đoạt nào được thừa nhận” (khoản 1 điều 137 của Công ước).
Bản đồ khu vực Biển Đông |
Tất cả các di vật khảo cổ và lịch sử tìm thấy trong Vùng, đều được bảo tồn hay nhượng lại, vì lợi ích của toàn thể loài người (điều 149). Mọi hoạt động trong Vùng được tiến hành là vì lợi ích của toàn thể loài người, không phụ thuộc vào vị trí địa lý của các quốc gia.
Việc thăm dò và khai thác tài nguyên của Vùng được tiến hành thông qua Cơ quan quyền lực (the Authority) (điều 137), được hiểu là cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương (trụ sở ở Jamaica). Cơ quan này đảm bảo việc phân chia công bằng những lợi ích tài chính và kinh tế do các hoạt động được tiến hành trong Vùng.
Cơ quan quyền lực có quyền định ra các quy tắc, quy định cũng như các thủ tục thích hợp cho việc sử dụng Vùng vào mục đích hoà bình, cho việc nghiên cứu khoa học biển, chuyển giao kỹ thuật, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ sự sống của con người.
Cơ cấu tổ chức của cơ quan quyền lực được quy định cụ thể, chi tiết hơn trong Thoả thuận liên quan đến việc thực hiện Phần XI (Vùng) của Công ước, có hiệu lực ngày 28/7/1996 và được coi là một bộ phận của Công ước.