Khai mạc triển lãm "Tư liệu báo chí về Hoàng Sa" tại Đà Nẵng
Bốn chủ đề đó là: Bộ sưu tập báo chí “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” (136 bài báo) đăng trên các báo từ năm 1979 đến 2011 với 4 nội dung (Chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Hoàng Sa - Đau đáu trong tim người con Đất Việt, Trung Quốc xâm lược và hoạt động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa, Đấu tranh vì Hoàng Sa - máu thịt Tổ quốc); Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 (38 bài báo); 110 bài báo viết về Hoàng Sa của các cơ quan báo chí tại Đà Nẵng; 12 hình ảnh phóng viên tác nghiệp trên biển đảo quê hương.
Cắt băng khai mạc Triển lãm “Tư liệu báo chí về Hoàng Sa”. Ảnh báo Tài nguyên môi trường |
Bộ sưu tập báo chí “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” lưu giữ các bài đăng trên báo Nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh niên,… của hơn 500 tác giả. Nhiều sự kiện và văn bản thể hiện rõ chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo trên trang thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp năm 1933, các sự kiện ngoại giao liên quan đến chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Thông qua các bài báo, người xem thấy rõ sự thật lịch sử và vấn đề pháp lý liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa, đặc biệt từ trước đến sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Ở chủ đề thứ 2 là sự kiện Hải Dương 981, Triển lãm đã tập hợp các bài báo phản ánh hành động phi pháp của Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan HD-981trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Các tờ báo về Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu năm 1979 đến tháng 10/2011 được sưu tầm và đóng thành một cuốn sách dày 1.000 trang với kích thước 60 cm x 40 cm. Nguồn Báo Tài nguyên môi trường |
Trong chủ đề này đã có các bài báo nóng hổi, được các PV truyền tải trung thực những ngày đấu tranh không khoan nhượng của lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Hoàng Sa; nỗ lực của Việt Nam trong việc đấu tranh phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc.
Ở chủ đề thứ 3 là hơn 110 bài báo về Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu năm 1979 đến tháng 10/2011. Ban tổ chức đã sưu tầm và đóng thành một cuốn sách dày 1.000 trang với kích thước 60 cmx40 cm.
Hơn 110 bài báo viết về Hoàng Sa có nhắc đến các sự kiện Trung Quốc khiêu khích và dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974; lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam…