Khách phản ứng vào web Vietnam Airlines mua vé lại phải bay hãng giá rẻ khác
Khách hàng bức xúc vì truy cập website của hãng Vietnam Airlines mua vé máy bay nhưng hãng lại bán vé máy bay giá rẻ Pacific Airlines, chẳng khác gì kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.
Theo phản ánh của anh Đặng Xuân Cường (36 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) cùng chị Ngô Huỳnh Phương Thảo (40 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh), 2 người có vào website của hãng Vietnam Airlines mua vé máy bay ra Hà Nội vào ngày 12/10 nhưng lại được hãng bán vé máy bay giá rẻ Pacific Airlines.
Thông tin khách hàng đặt mua vé trên website của hãng Vietnam Airlines. |
Anh Cường cho biết: "Chúng tôi tưởng rằng mua được vé máy bay của hãng Vietnam Airlines thì đi máy bay của hãng hàng không này. Nhưng không ngờ rằng, ra đến sân bay và khi vào khu vực kiểm soát, chờ lên máy bay thì được các nhân viên thông báo: “Anh chị đã xếp hàng nhầm hãng”. Khi chúng tôi thắc mắc thì nhân viên ở đây cho biết: “Vé của anh chị mua là của hãng máy bay giá rẻ Pacific Airlines.
Do đã đặt vé và mua vé rồi (mua qua trang website của hãng sau đó ra sân bay mới lấy vé) nên chúng tôi chấp nhận lên máy bay giá rẻ Pacific Airlines. Tuy nhiên, việc làm này của hãng hàng không Vietnam Airlines như kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó”. Bởi giá vé máy bay mà chúng tôi mua vào ngày hôm đó là hơn 2 triệu đồng/1 vé/người, mức giá này không phải là rẻ tại thời điểm này”.
và khi đến sân bay, khách hàng ngỡ ngàng khi phải nhận vé của Pacific Airlines. |
Anh Cường cho hay: "nếu chúng tôi biết vào website Vietnam Airlines mua vé mà lại bị bán vé và đi máy bay giá rẻ Pacific Airlines thì đã không vào đặt mua”.
Trao đổi với PV về thông tin trên, một đại điện của hãng hàng không Vietnam Airlines lý giải: “Khi hành khách mua vé thì ở trên vé sẽ ghi rõ được khai thác bởi hãng nào. Đây là chính sách liên doanh giữa các hãng, được triển khai từ rất lâu rồi”.
Ngoài ra, vị đại diện của hãng hàng không Vietnam Airlines cũng lý giải thêm: “Vietnam Airlines có thể bán vé trên một chuyến bay của Jetstar Pacific, Pacific Airlines. Chính sách này giúp tăng thêm sự lựa chọn về khung giờ đi lại cho khách hàng”.
“Đây không phải là “treo đầu dê bán thịt chó” như mọi người đang hình dung. Bởi khi hành khách đặt mua vé, thì trên vé sẽ ghi rõ nội dung: “Được khai thác bởi hãng nào...”, đại diện của Vietnam Airlines nói.
Ngoài ra, vị này giải thích "Để tránh hiểu lầm, hành khách có thể gửi lại vé để hãng kiểm tra, cung cấp thông tin chính xác hơn".
Một lãnh đạo của hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết hãng đã triển khai các chuyến bay liên danh (codeshare) với Pacific Airlines từ năm 2015 (trước tháng 7/2020, Pacific Airlines có tên gọi là Jetstar Pacifc). Với hình thức này, khách mua vé trên kênh bán của Vietnam Airlines như website, phòng vé, nhưng làm thủ tục tại quầy Pacific Airlines, bay trên máy bay của Pacific Airlines và hưởng một số dịch vụ theo tiêu chuẩn của Pacific Airlines.
Vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh chi tiết "nếu một chuyến bay là liên danh (do Vietnam Airlines bán vé, nhưng Pacific Airlines khai thác( thì thông tin này sẽ được thông báo rõ ràng tới khách hàng trước khi mua vé". Sẽ có chú thích “Hãng khai thác Pacific Airlines” hoặc “Chuyến bay do Pacific Airlines khai thác” khi khách hàng tìm kiếm chuyến bay và đặt chỗ.
Các tiêu chuẩn dịch vụ tương ứng vé bay liên danh được liệt kê cụ thể khi khách hàng đặt chỗ. Trong phần này, hành khách cũng được thông báo “Làm thủ tục tại quầy của Pacific Airlines”.
Vị này khẳng định: "Trước khi tiến hành thanh toán, hành khách có đầy đủ thông tin, cơ sở để tự quyết định có mua vé bay liên danh Vietnam Airlines – Pacific Airlines hay không. Vietnam Airlines không có chủ đích gây lầm lẫn khách hàng hay cung cấp dịch vụ không đúng như thông tin trên vé".
Sông Yên