Kéo dài thời gian làm việc với GS, TS tới tuổi hưu để tránh lãng phí chất xám?
GS. Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giáo sư, tiến sĩ tới tuổi nghỉ hưu là điều đúng đắn và phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Trong dự thảo có đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.
Dự thảo Nghị định nêu rõ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trong điều kiện lao động bình thường để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc và được cơ sở giáo dục đại học chấp nhận.
Thời gian kéo dài với giảng viên thuộc đối tượng trên do cơ sở giáo dục đại học quyết định căn cứ theo quy định hiện hành.
Theo dự thảo, hệ thống chức danh và tiêu chuẩn các chức danh giảng viên là căn cứ để xếp hạng chức danh nghề nghiệp và thực hiện chế độ chính sách với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học.
Chính sách đối với giảng viên chức danh GS, PGS là được xem xét, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Việc xếp lương được thực hiện theo quy định hiện hành. Các chế độ, chính sách đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu do các cơ ở giáo dục quy định.
Ảnh minh họa |
Nói về việc kéo dài thời gian làm việc với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu, GS. Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng đây là là chính sách đúng đắn và phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
“Hiện nay một số quốc gia có nền giáo dục phát triển cũng vẫn giữ những giảng viên là các giáo sư đủ tuổi nghỉ hưu ở các chức vụ yêu cầu về uy tín học thuật trong các trường đại học”, GS. Nguyễn Đình Đức cho biết.
Hơn nữa, thực tế cho thấy nếu đội ngũ giảng viên cứ đủ tuổi là về nghỉ hưu thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt về đội ngũ giảng viên trong khi có những ngành/nghề để được cấp phép đào tạo phải đáp ứng một lượng nhân lực nhất định với yêu cầu giảng viên là tiến sĩ và giáo sư.
Những giảng viên có thâm niên trường đại học sẽ có thể tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cũng như đáp ứng yêu cầu trong thời đại hiện nay như yêu cầu mở ngành, kiểm định chất lượng.
Cũng theo GS. Nguyễn Đình Đức thì các giảng viên có tuổi đa số đều có uy tín về mặt chuyên môn học thuật đối với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút nhân tài, tập hợp đội ngũ, nhất là các cán bộ trẻ, tạo nên các nhóm nghiên cứu, trường phái học thuật.
Hiện nay, ngay tại Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có những trưởng nhóm nghiên cứu mạnh và uy tín trên 60 tuổi.
“Các thầy cô làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học khi tuổi càng lớn thì càng nhiều kinh nghiệm, càng có thâm niên công tác, càng có nhiều kinh nghiệm về tâm lý, kinh nghiệm giảng dạy và có thêm thời gian làm việc sẽ tạo điều kiện cho thầy cô được cống hiến, dìu dắt các em tốt hơn và đỡ lãng phí chất xám.
Hơn nữa, đội ngũ trí thức có trình độ cao không dễ gì đào tạo mà có được. Vậy chẳng có lí do gì nếu giảng viên tự nguyện được ở lại công tác mà không giữ họ ở lại tiếp tục cống hiến?”, GS Nguyễn Đình Đức nói.
Có nên cho giáo sư, tiến sĩ tới tuổi hưu kéo dài thời gian giảng dạy thêm 5 năm?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, có thể cho giảng viên tới tuổi về hưu tiếp tục công tác nhưng phải dưới dạng hợp đồng lao động để công bằng với lớp trẻ.
Hoàng Thanh