Có nên cho giáo sư, tiến sĩ tới tuổi hưu kéo dài thời gian giảng dạy thêm 5 năm?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, có thể cho giảng viên tới tuổi về hưu tiếp tục công tác nhưng phải dưới dạng hợp đồng lao động để công bằng với lớp trẻ.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018. Điểm mấu chốt của dự thảo là đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.
Chia sẻ về vấn đề trên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng việc giảng viên về hưu tiếp tục công tác thì không ai cấm nhưng nên theo hợp đồng lao động cho công bằng với lớp trẻ.
Ảnh minh họa |
“Theo tôi nghĩ đến tuổi nghỉ hưu thì nghỉ và không nên kéo dài biên chế nhà nước. Đối với những giảng viên là viên chức của cơ sở giáo dục mà kéo dài biên chế nhà nước thì... vô duyên.
Chỉ nên kéo dài tuổi làm việc khi bản thân người lao động có nhu cầu. Khi đến tuổi hưu, bản thân giảng viên còn sức khỏe và có thể công tác thì cứ về hưu theo đúng quy định. Sau đó, nếu muốn tiếp tục giảng dạy sẽ ký hợp đồng lao động với cơ sở giáo dục đại học theo luật hiện hành.
Bởi lẽ, mỗi cơ sở giáo dục sẽ có chỉ tiêu nhất định cho viên chức. Nếu các giảng viên già mãi không chịu về hưu thì còn lớp trẻ thế nào?”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.
Trước đó, dự thảo hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018 nêu rõ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trong điều kiện lao động bình thường để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc và được cơ sở giáo dục đại học chấp nhận.
Thời gian kéo dài đối với những giảng viên này do cơ sở giáo dục đại học quyết định căn cứ quy định của Luật Lao động, Nghị định hướng dẫn Luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan.
Về quy trình xem xét, quyết định kéo dài thời gian làm việc, dự thảo nêu 6 tháng trước khi đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định, giảng viên có nguyện vọng đăng ký và nộp hồ sơ cho cơ sở giáo dục đại học để được xem xét kéo dài thời gian làm việc; cơ sở giáo dục đại học quyết định việc kéo dài thời gian làm việc căn cứ theo nhu cầu của cơ sở và thông báo cho giảng viên 3 tháng trước khi đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định.
Chính sách đối với giảng viên trong thời gian làm việc kéo dài được xác định là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học, được hưởng lương và các chính sách, chế độ khác theo quy định đối với giảng viên; được đề nghị nghỉ hưu theo quy định nếu có nhu cầu.
Việc Bộ GD&ĐT đưa ra đề xuất trên được dựa trên quy định về tuổi nghỉ hưu tại Điều 169 Luật Lao động 2019, trong đó có ghi rõ: "Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Nhưng quy định tại Điều 56 Luật Giáo dục Đại học chỉ ghi giảng viên có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu, không ghi thời gian chi tiết.
Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với Luật Lao động 2019, quy định tại dự thảo không quy định cụ thể thời gian kéo dài và giao cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định thời gian căn cứ theo Điều 169 của Luật lao động và Nghị định 35/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 quy định tuổi nghỉ hưu.
Bộ GD-ĐT lấy ý kiến góp ý cho dự thảo này đến hết ngày 05/12/2021.
Hoàng Thanh