IMF: Hệ thống tài chính toàn cầu đối mặt ngày càng nhiều rủi ro
IMF: Hệ thống tài chính toàn cầu đối mặt ngày càng nhiều rủi ro
Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde |
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố ngày 24/01, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3.3% trong năm 2012, thấp hơn mức ước tính đưa ra vào tháng 9 là 4%. Bất chấp triển vọng yếu kém của nền kinh tế toàn cầu, Mỹ là quốc gia duy nhất không bị hạ dự báo tăng trưởng. IMF cho rằng tổ chức này vẫn kỳ vọng các hoạt động kinh tế tại Mỹ sẽ mở rộng 1.8% trong năm nay, không thay đổi so với dự báo trước đó.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là sự leo thang của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Theo dự báo của IMF, 17 quốc gia Eurozone sẽ suy thoái nhẹ trong năm nay với GDP ước giảm 0.5%, trái với tốc độ tăng trưởng ước tính đưa ra hồi tháng 9 là 1.1%. IMF nhận định trong báo cáo: “Sự suy giảm tại Eurozone là do đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ, tác động của việc trả bớt nợ ngân hàng đối với nền kinh tế thực và ảnh hưởng của các biện pháp củng cố tài chính do Chính phủ các nước Eurozone thực hiện”.
Ý và Tây Ban Nha, hai quốc gia đối mặt với chi phí vay mượn cao và các biện pháp cắt giảm ngân sách, có thể suy thoái trong hai năm tới. Hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức và Pháp đều được dự báo tăng trưởng chưa tới 0.5% trong năm 2012 trước khi các hoạt động dần cải thiện vào năm 2013.
Tăng trưởng tại các thị trường mới nổi và đang phát triển có thể đạt 5.4% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo trước đó của IMF là 6.2%. Trung Quốc, quốc gia bắt đầu chứng kiến tăng trưởng kinh tế đang hạ nhiệt, có thể tăng trưởng 8.2% trong năm 2012, thấp hơn so với dự báo trước đó là 9%.
Dự báo của IMF về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các khu vực năm 2011 và 2012
Trong khi đó, theo Báo cáo Bình ổn Tài chính Toàn cầu mới nhất của IMF, hệ thống tài chính toàn cầu đang đối mặt với rủi ro ngày càng cao từ cuộc khủng hoảng nợ và khó khăn của lĩnh vực ngân hàng Eurozone. Dù tổ chức này hoan nghênh những biện pháp mà các nhà lãnh đạo chính trị Eurozone đã thực hiện trong thời gian gần đây nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhưng báo cáo cho rằng cần phải thực hiện nhiều hành động hơn nữa để ổn định tài chính công và ngăn cản tình trạng đóng băng tín dụng tồi tệ hơn trong lĩnh vực ngân hàng.
IMF thừa nhận rằng các hành động mới đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng và chi phí vay mượn của một số quốc gia khó khăn tại Eurozone đã suy giảm trong các tuần gần đây. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý lãi suất dài hạn vẫn còn cao đối với nhiều Chính phủ và các ngân hàng vẫn còn gặp khó khăn trong việc huy động vốn.
Đồng thời IMF nhấn mạnh các Chính phủ không nên cắt giảm chi tiêu quá nhanh vì điều này có thể khiến suy thoái trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, không nên để việc trả nợ ngân hàng tác động đến dòng chảy tín dụng tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nền kinh tế thực.
Được biết hôm thứ Hai, Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde, ủng hộ kế hoạch kết hợp quỹ giải cứu hiện tại với một quỹ đang trong quá trình thực hiện tại Eurozone. Tổng nguồn vốn của quỹ sau kết hợp có thể ở vào khoảng 1 ngàn tỷ EUR và theo IMF số vốn này có thể đảm bảo sự an toàn cho Ý và Tây Ban Nha.
IMF cũng công bố kế hoạch gia tăng nguồn vốn của quỹ lên 500 tỷ USD, bao gồm khoản cam kết 200 tỷ EUR từ các Chính phủ Eurozone. Theo dự báo của IMF, tổ chức này cần 1 ngàn tỷ EUR để đáp ứng được tất cả các cam kết của mình trong vòng hai năm tới.
Phước Phạm