ILO tại Việt Nam: Lao động làm việc nước ngoài rất dễ bị buôn bán
Đây là nhận định của ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) tại Hà Nội.
![]() |
Thiếu hiểu biết khiến lao động di cư gặp rủi ro. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo số liệu từ điều tra khảo sát ban đầu của Dự án Hành động ba bên nhằm bảo vệ người lao động di cư trong và từ khu vực tiểu vùng sông Mê Kông tránh khỏi sự bóc lột lao động của ILO (ILO GMS TRIANGLE) thực hiện từ năm 2011 đến nay, không một người lao động nào từ Thanh Hoá và Quảng Ngãi (bao gồm Huyện Sơn Hà) có dự định đi làm việc ở nước ngoài biết được thông tin cụ thể về chi phí để đi làm việc ở nước ngoài cũng như các quy định của Chính phủ về tiền dịch vụ, tiền môi giới và việc hoàn trả các khoản tiền này.
Một nửa trong số 300 người lao động được hỏi cho biết họ không biết các kênh để đi làm việc ở nước ngoài và 95% trong số họ không biết về quyền được giữ hộ chiếu khi làm việc ở nước ngoài. Cứ 2 trong số 3 người có dự định đi làm việc ở nước ngoài không biết một thông tin gì về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam cảnh báo, mua bán người và bóc lột lao động kiểu nô lệ hiện đại vẫn đang tồn tại. Hơn nửa số 21 triệu nạn nhân bị nô lệ hóa trên thế giới tập trung tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đa số họ làm trong nền kinh tế chính thức – may quần áo chúng ta mặc, thu hoạch nông sản chúng ta ăn và sản xuất các sản phẩm chúng ta tiêu thụ mỗi ngày. Nhiều người trong số họ là lao động di cư, những người rời quê nhà để đến các thành phố lớn, các khu công nghiệp và ra nước ngoài tìm kiếm công việc tốt hơn.
Trên hành trình đi, họ có thể bị những bên môi giới và tuyển dụng lao động không liêm chính bóc lột, thu những khoản phí rất cao, cung cấp thông tin không chính xác về công việc và trong một số trường hợp, kiểm soát họ bằng cách giữ giấy tờ của họ. Có trường hợp người sử dụng lao động không biết có hành vi bóc lột xảy ra, tuy nhiên công ty vẫn không tránh khỏi liên đới trách nhiệm cả về mặt xã hội và pháp lý. Trong thời gian qua, nhiều thương hiệu và nhà cung cấp của họ đã bị tổn thất do những cáo buộc về mua bán người và nô lệ hóa. Thiệt hại có thể bao gồm tổn thất về thương hiệu, tài chính và thậm chí các vấn đề pháp lý.
Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội, ông Gyorgy Sziraczki, cho biết “Việc thiếu hiểu biết khiến người lao động lâm vào các hoàn cảnh rủi ro. Sự đóng góp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cả nữ giới và nam giới, vào tăng trưởng và phát triển của cả quốc gia phái cử và quốc gia tiếp nhận là rất lớn, nhưng đáng buồn là nhiều người trong số họ đã bị bóc lột, lạm dụng và thậm chí, trở thành nạn nhân của những kẻ buôn bán người”.
Trước thực trạng này, Văn phòng ILO tại Hà Nội đã thực hiện nhiều dự án nhằm thúc đẩy tiếp cận các thông tin chính thống về chi phí và các kênh hợp pháp để đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn, cung cấp các kỹ năng tự bảo vệ cũng như nâng cao nhận thức của người dân về di cư an toàn và các dịch vụ hỗ trợ nhằm ngăn ngừa tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở thành nạn nhân của hoạt động mua bán người và bóc lột lao động.