Huyện đảo Phú Quý xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư phát triển đến 2020
Thời gian qua, huyện đảo Phú Quý đã có những bước chuyển mình nhất định. Trong 5 năm (từ 2011 đến 2015), toàn huyện thu hút đầu tư toàn xã hội khoảng 949 tỷ đồng, tăng 1,74 lần so với 5 năm trước. Trong đó, ngân sách nhà nước 585,6 tỷ đồng, chiếm 61,7% vốn đầu tư toàn xã hội.
Huyện đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Ảnh TTXVN |
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu của huyện được đầu tư nhiều hơn; khu vực trung tâm hành chính huyện và 03 xã đã được đầu tư hoàn chỉnh; nhiều dự án đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy tốt hiệu quả, từng bước thực hiện các tiêu chí phát triển đô thị loại IV.
Nhưng, thực tế huyện đảo này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một trong những khó khăn đó là nguồn vốn chậm, đầu tư hạn chế; tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản còn nhiều; chất lượng một số công trình chưa cao. Nguồn kinh phí đối ứng đường giao thông nông thôn chưa đảm bảo. Công tác giải phóng mặt bằng một số công trình còn vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư.
Hiện nay, huyện đảo vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư chưa được quan tâm đúng mức; việc công bố, công khai quy hoạch, thông tin về danh mục các công trình, dự án kêu gọi đầu tư còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Cơ chế thu hút, kêu gọi đầu tư vào các khu vực quy hoạch như: Cụm công nghiệp, khu Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Triều Dương, các khu du lịch… chưa rõ ràng.
Trước tình hình đó, để đảm bảo cho mục tiêu 5 năm tiếp theo, đến năm 2020, Huyện ủy Phú Quý (khóa X) đã ban hành Chương trình hành động số 04 để huy động tối đa các nguồn lực, kể cả các nguồn vốn từ ngân sách (Trung ương, tỉnh, huyện) và ngoài xã hội để đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, ưu tiên các công trình trọng điểm, bức xúc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020, huy động vốn toàn xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt gần 2.500 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng, chiếm 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; huy động chi đầu tư phát triển chiếm ít nhất 12% trong tổng chi ngân sách địa phương. Duy trì giữ chuẩn và nâng cao mức độ đạt chuẩn các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới.
Đến năm 2020, xây dựng huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại IV theo hướng xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững. Thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt và vượt dự toán được giao.
Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng huyện Phú Quý từng bước trở thành: Trung tâm khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa tàu thuyền, cứu hộ, cứu nạn của khu vực; điểm du lịch cấp quốc gia.
Do đó, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong 5 năm trọng điểm này là phải: Tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch tổng thể, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa phương trong huyện; Khai thác, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từ ngân sách nhà nước; Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực khu vực kinh tế tư nhân và nguồn vốn khác; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư gắn với công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác quản lý đầu tư. Phối hợp với các sở, ngành kiến nghị tỉnh đề nghị Trung ương có chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo.