Họp phụ huynh kín theo Thông tư 22: Giáo viên trường tư thục ủng hộ
Mới đây, Thông tư 22 được ban hành, bổ sung 13 điều trong tổng số 20 điều của Thông tư 30, về đánh giá học sinh tiểu học, có hiệu lực từ 6/11 nhằm thay thế Thông tư 30.
Một trong những điểm đáng chú ý theo tinh thần Thông tư 22 là khi tổ chức họp phụ huynh học sinh, giáo viên phải thông báo cho từng phụ huynh về lực học cũng như ý thức của con em mình mà không tiến hành họp tập thể và công khai như trước nữa.
Điều này đang gây ra khá nhiều tranh cãi vì đa số giáo viên cho rằng họ sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức cho việc này.
Một giáo viên tại trường tiểu học công lập trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay: “Việc họp phụ huynh kín ở các trường Quốc tế trong nước và nước ngoài đã thực hiện từ khá lâu. Đây cũng là cách làm có nhiều ưu điểm so với cách họp phụ huynh truyền thống của chúng ta.
Tuy nhiên, ở nước ngoài và các trường quốc tế, lớp học của họ chỉ có 15 -20 học sinh. Chúng ta không thể máy móc áp dụng cách làm này với các trường công lập khi mà sĩ số một lớp có thể lên tới 50 em được.
Chỉ có thể họp phụ huynh chung cả lớp, khi ấy giáo viên chủ nhiệm sẽ phổ biến nội dung chung của trường, của lớp. Còn kết quả học tập từng em, giáo viên sẽ gửi tới phụ huynh bằng văn bản.
Với những trường hợp đặc biệt như học sinh học quá yếu hay ý thức chưa tốt; Hay điểm mạnh, điểm yếu của học sinh, giáo viên sẽ thông báo theo hình thức cá nhân sau. Chúng ta nên vận dụng linh hoạt điều ấy thay vì áp dụng một cách quá máy móc.
Bởi lẽ, thời gian đâu để giáo viên gặp từng phụ huynh. Chỉ mấy việc như thống kê, tổng hợp điểm, tổng kết năm đã đủ khiến giáo viên đau đầu rồi”.
Một giáo viên tại trường Song ngữ Quốc tế Newton lại ủng hộ cách họp phụ huynh kín. Giáo viên này cho hay: “Không thông báo kết quả học tập cá nhân của mỗi học sinh trước tập thể là điều hoàn toàn hợp lý vì càng công khai, càng bị so sánh. So sánh làm cản trở quá trình đánh giá một học sinh riêng biệt.
Chỉ có sự tiến bộ của cá nhân mới tạo nên thành công của cá nhân đó. Chúng ta không thể so sánh một học sinh giỏi thể thao với một học sinh giỏi văn hay giỏi toán. Một em bình thường ra đời vẫn thành công hạnh phúc, một em học giỏi được khen ra đời vẫn có thể lận đận, nghèo khổ. Khen chê trước mặt người khác là không công bằng, thậm chí bất lợi với học sinh và phụ huynh.
Ở Pháp, trường cấp 1 mỗi học sinh có 1 trang trong website chính thức của vùng (tỉnh) để theo dõi quá trình học tập của học sinh từ lớp dưới lên lớp trên. Mỗi học sinh có mật khẩu riêng, không nhìn được kết quả của học sinh khác.
Phụ huynh có thể liên hệ với giáo viên nếu muốn trao đổi tình hình của con. Mỗi năm, nhà trường chỉ tiến hành họp phụ huynh một lần đầu năm học mới để thông báo cách thức hoạt động, nội dung và quy định của cả lớp cũng như nhà trường.
Khi có vấn đề cần gặp, giáo viên và phụ huynh hẹn riêng từng người và việc đó diễn ra rất thoải mái, thậm chí giữa phụ huynh và giáo viên còn rất gần gũi, xóa tan được khoảng cách. Vì thế, tôi nghĩ thay đổi sang cách “họp phụ huynh kín” là một chủ trương hoàn toàn hợp lý”.
Thầy Lê Vĩnh Nam (giáo viên tại hệ thống giáo dục Vinschool) cho hay: “Tôi từng họp phụ huynh theo hình thức 1:1:1 là giáo viên chủ nhiệm:phụ huynh: học sinh trong 2 năm (4 lần).
Tôi cho rằng, họp 1:1:1 có nhiều tác dụng, nhưng đòi hỏi người giáo viên phải chuẩn bị nhiều và chính xác khi thực hiện. Thời lượng trung bình cho mỗi cuộc gặp là 15 đến 20 phút. Dự tính là 15 phút/1 học sinh nhưng phải dự phòng thêm 5 phút vì có nhiều phụ huynh muốn trao đổi thêm nhiều.
Như vậy, để họp được một lớp với số lượng 30 học sinh tôi cần đến khoảng 8 tiếng làm việc cật lực, thường sẽ là nguyên ngày chủ nhật. Vì thế, nếu là họp phụ huynh kín ở các trường công lập, lớp có tới 50, 60 học sinh thì các thầy cô sẽ rất vất vả.
Bên cạnh đó, để thực hiện được cuộc họp phụ huynh kín theo tinh thần Thông tư 22 cần có sự chuẩn bị chu đáo: Về phía giáo viên cần chuẩn bị thông tin rất rõ, sâu về từng học sinh mới có thể nhận xét, đánh giá, khuyến nghị các giải pháp, lộ trình tiến bộ cho học trò.
Như vậy là giáo viên chủ nhiệm lại thêm công việc là nắm rõ học lực, đặc điểm tâm lý học sinh. Một điều nữa giáo viên nên lưu tâm là nhớ tên bố mẹ học sinh để trong lúc trò chuyện có thể gọi đúng tên phụ huynh, điều này tạo cho phụ huynh sự thiện cảm".
Thầy Lê Vĩnh Nam |
Thầy Lê Vĩnh Nam cũng cho biết thêm: "Hơn nữa, giáo viên cần hẹn gặp phụ huynh theo khung giờ có thứ tự rõ ràng, nên sắp xếp khung giờ thuận lợi cho phụ huynh. Thông thường GV sẽ đưa ra khung giờ trước, nếu phụ huynh nào khó thu xếp thì sẽ cố gắng đổi cho họ. Nên bố trí ngày họp vào nghỉ để phụ huynh được thuận lợi về thời gian.
Một điều quan trọng, giáo viên cần thông báo rõ để phụ huynh hiểu và thông cảm đặc thù của hình thức họp, cần hướng dẫn sơ qua phụ huynh nội dung trọng tâm trao đổi để tránh lan man dẫn đến quá giờ.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần thống nhất, nếu đến muộn thì thời lượng họp ít đi, nếu qua khung giờ của họ rồi thì hủy họp. Cần thực hiện tốt điều này để tránh "dồn toa", một người đến muộn, do giáo viên cả nể sẽ làm nhiều người khác phải chờ.
Điều khó nhất trong buổi họp là: THẤU HIỂU - GẮN KẾT VÀ KIẾN TẠO. Thiết nghĩ, sau họp phụ huynh học sinh thì giáo viên – học sinh và phụ huynh cần hiểu nhau hơn, gắn kết hơn và cùng kiến tạo môi trường tích cực để học sinh vui vẻ rèn luyện, cần có lộ trình tiến bộ cụ thể. Đó chính là kết quả tốt đẹp của buổi họp.
Và nếu sau buổi họp, cả phụ huynh và học sinh đều mong muốn lần kế tiếp sẽ họp 1:1:1 thì buổi họp của thầy cô đã thực sự thành công. Tôi rất ủng hộ việc họp phụ huynh kín”.