Hội nghề cá kiến nghị có thêm lực lượng hỗ trợ ngư dân ra khơi
PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đình Yên, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam. Ông Yên cho biết, hàng năm vào thời gian này, Trung Quốc đều đơn phương ra lệnh cấm khai khác ở vùng biển. Việc Trung Quốc tuyên bố cấm biển ở vĩ độ 12 độ Bắc trở lên, thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Ông Hoàng Đình Yên, Tổng Thư ký Hội nghề cá Việt Nam (Ảnh Hồng Chuyên) |
Cũng theo ông Yên, hàng năm, cứ vào thời gian này, Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm khai thác thuỷ sản, và việc này không những làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác bình thường của ngư dân Việt Nam mà còn thể hiện thái độ ngang ngược của họ trên Biển Đông. Vì vậy, Hội nghề cá Việt Nam phản đối Trung Quốc cấm khai thác ở Biển Đông từ vĩ tuyến 12 trở lên.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng vụ Khai thác thủy sản (Tổng Cục Thủy sản- Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ Nông nghiệp cũng có hướng dẫn ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển. Ông Trung khuyến cáo ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, theo các mô hình tổ đội liên kết sản xuất trên biển, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong khi đánh bắt, trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của ta.
"Trung Quốc cấm đánh bắt cả vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì lệnh cấm mà Trung Quốc áp đặt là không có giá trị đối với ngư dân ta. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng theo sát mọi hoạt động của tàu thuyền trên biển, kịp thời hỗ trợ bà con khi có cần thiết. Vùng biển của ta do ta làm chủ, không ai có quyền cấm đánh bắt", ông Nguyễn Văn Trung nói.
Ông Hoàng Đình Yên cũng cho biết: "Đối với ngư dân, bản thân bà con nghe lệnh cấm có người không yên tâm để sản xuất, nhưng vẫn có nhiều bà con vẫn kiên quyết bám biển. Tuy nhiên, Trung Quốc ra lệnh cấm, đồng thời huy động lực lượng thường xuyên cản trở hoạt động của ngư dân, gây khó khăn, trở ngại cho ngư dân, ảnh hưởng đến năng suất đánh bắt cũng như hiệu quả đánh bắt của ngư dân khi vào thời vụ chính. Đây là thời điểm chính vụ cá nam của Việt Nam".
Trả lời câu hỏi, hội đã hành động như thế nào để hỗ trợ ngư dân, ông Hoàng Đình Yên chia sẻ: “Trước hết, Hội có thông báo với bà con, vùng biển của Việt Nam thì bà con cứ chủ động đánh bắt, không ai có thể ngăn cản ngư dân đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của mình. Mặt khác, chúng tôi khuyến cáo với ngư dân, nên tổ chức theo đội, đoàn để hỗ trợ nhau khi có lực lượng muốn ngăn cản. Chúng tôi đã kiến nghị với các cơ quan chức năng có các lực lượng để hỗ trợ thêm cho bà con ngư dân khi hoạt động trên biển, đặc biệt khi có những lực lượng cản trở để tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất. Đã có thông báo trước, bởi lường trước khả năng, đề phòng Trung Quốc có lệnh cấm biển để ngăn ngừa tình trạng bà con bị động, có văn bản từ cuối tháng 4”.
Ông Hoàng Đình Yên cũng cho biết, sự khác biệt của lệnh cấm đánh bắt cá lần này. Những lần trước, Trung Quốc thường cấm khoảng 2 tháng, từ 1/6 – 1/8, nhưng trong một số năm gần đây, thời gian cấm có tăng lên. Lệnh cấm này được ban hành từ Bộ Nông nghiệp của Trung Quốc, đây là lệnh cấm của Chính phủ TQ, tính chất nghiêm trọng hơn, phạm vi: Trung Quốc chỉ dùng từ chung là “vĩ độ 12 trở lên” chứ không nói cụ thể. Nhưng vĩ độ 12 trở lên là bao gồm vùng vịnh Bắc Bộ. Mà vịnh Bắc Bộ là vùng biển có phần của Việt Nam (đã ký hiệp ước phân định), phần của Trung Quốc thì Trung Quốc có quyền cấm, nhưng vùng biển của Việt Nam thì Trung Quốc không có quyền, không được phép cấm. Ngư dân Việt Nam vẫn hoạt động bình thường.
Về việc này, Hội cũng như Tổng cục thủy sản cũng đã có hướng dẫn bà con ngư dân. Khi TQ có lệnh cấm, vùng hợp tác đánh bắt mà hai bên đang thực thi hoạt động, chúng ta vẫn hoạt động ở phía Tây đường phân định.
Ông Hoàng Đình Yên cũng đồng ý trước những ý kiến của các chuyên gia cho rằng, lần này lệnh cấm đánh bắt cá không giống như lần trước mà cũng có những toan tính, ý đồ khác.