Học sinh tử vong tại trường: ‘Giáo viên ơi, anh đã ở đâu?’
Ngoài những dòng tin trên các báo có đề cập đến việc bắt giữ thủ phạm cũng là một nam sinh cùng trường, tôi không thấy có yêu cầu nào làm rõ xem ai phải cùng chịu trách nhiệm liên quan đến cái chết của em.
Trường THPT Trần Hưng Đạo, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: TTO |
Những vấn đề cấp bách của giáo dục Việt Nam, thêm một lần nữa lại lộ rõ qua sự việc nghiêm trọng này. Trước đây, sau nhiều vụ bạo lực học đường trong các clip gây chấn động trên mạng xã hội, tôi đã từng đặt câu hỏi rằng người giáo viên (GV) ở đâu trong khi xảy ra các vụ việc đó?
Trong vụ việc đau lòng tại Tiền Giang, chỉ vì mâu thuẫn về việc đóng mở cánh cửa sổ mà các HS hai lớp 11 và 12 đã tụ tập đánh nhau ngay trong giờ ra chơi (lại cũng vào giờ ra chơi!) để rồi dẫn đến cái chết của một nam sinh lớp 11. Hai GV chủ nhiệm của hai lớp, rồi các GV bộ môn và cả ban giám hiệu, tôi không hiểu họ đã ở đâu trong suốt thời gian HS hai lớp ẩu đả đủ để dẫn đến chết người như vậy?
Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ cứ theo "kiểu Việt Nam" mình, GV trong các trường phổ thông được quyền nghỉ ngơi hoặc đi làm việc riêng vào các giờ ra chơi của HS. Vì thế, đương nhiên HS làm gì trong khoảng thời gian đó, họ không thể biết nên không thể can thiệp và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh giữa các học trò với nhau. Tất cả những vụ bạo hành học đường mà chúng ta từng chứng kiến trong thời gian qua đều thiếu hẳn bóng dáng của GV chủ nhiệm khi xảy ra chuyện.
Câu hỏi cần đặt ra là: Nhiệm vụ của GV ở trường là gì và trách nhiệm của họ với HS tới đâu? Các GV chỉ được yêu cầu đến trường để dạy kiến thức cho HS hay còn phải chịu trách nhiệm trực tiếp về mọi hoạt động cũng như sự an toàn cho HS ở trường?
Một trong những khác biệt quan trọng về yêu cầu đạo đức nghề nghiệp giữa GV của ta và GV của nhiều nước có nền giáo dục tiến bộ khác cũng chính là quy định về trách nhiệm đối với HS. Trong khi họ yêu cầu GV phải dành toàn bộ thời gian ở trường gắn với HS thì GV của ta không hề được yêu cầu như vậy. Trong khi GV của họ cùng ăn, cùng chơi và cùng tham gia mọi hoạt động với HS thì GV của ta lên phòng nghỉ hoặc lo làm việc riêng vào giờ ra chơi hay khi trống tiết.
Và có lẽ cũng chỉ ở ta mới có phòng nghỉ cho GV! Trong khi ở các nước, GV không cần phòng nghỉ và cũng không được phép có chỗ nghỉ ngơi trong trường! Vị trí của người thầy là ở lớp học và trách nhiệm của họ là gắn với HS trong suốt toàn bộ thời gian lao động tại trường.
Tất nhiên, bạo lực học đường có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng một khi tác nhân quan trọng nhất là người thầy vẫn thực thi nhiệm vụ của họ ở trường theo kiểu như hiện nay thì chắc chắn tình trạng đó sẽ còn tiếp tục dài dài. Sẽ còn có thể lại phải chứng kiến những clip bàng hoàng nhân tâm hay những cái chết đau lòng mà các HS chưa đến tuổi thành niên vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân như vụ việc ở Tiền Giang vừa qua.
Và chẳng lẽ mỗi lần như thế, chúng ta lại chỉ biết thảng thốt kêu lên: GV ơi, anh đã ở đâu?
Nguồn PLO (Tít do Infonet đặt lại)