Học sinh tử vong khi trải nghiệm bắt ngao: Quy định hoạt động ngoại khóa ra sao?
Thời gian qua, việc đa dạng hóa các hoạt động giáo dục đã được đẩy mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện, trong đó, có việc tăng cường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Sau vụ học sinh tử vong khi trải nghiệm bắt ngao tại Vườn quốc gia Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), dư luận lo ngại việc đảm bảo an toàn cho những người tham gia hoạt động trải nghiệm. Điều đáng nói, hoạt động dã ngoại, trải nghiệm này do phụ huynh đứng ra tổ chức.
Theo quy định hiện hành, các hoạt động ngoại khóa là nội dung nằm trong kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp quy định tại chương trình phổ thông của Bộ GD-ĐT. Nội dung này được các trường học triển khai với nhiều hình thức, giúp học sinh tăng cường tính tự chủ, hoàn thiện các kỹ năng trong giao tiếp, ứng phó với các tình huống trong cuộc sống…
Ngoài giờ học chính khóa, để hiểu thêm về nghề nghiệp, học sinh được thăm các làng nghề, cơ sở sản xuất, hoặc được thực hành cấy lúa, làm lính cứu hỏa… tại các khu trải nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vẫn được khuyến cáo được đặt lên hàng đầu.
Tổ chức các hoạt động trải nghiệm như thế nào để đảm bảo an toàn, trao đổi với VietNamNet, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), khuyến cáo phụ huynh phải tìm những nơi an toàn, hạn chế chọn địa điểm liên quan đến sông nước hay đồi núi hiểm trở.
Phụ huynh tổ chức cho các con tham gia hoạt động trải nghiệm ngoài lựa chọn điểm đến an toàn cũng cần phải được trang bị kỹ năng thoát hiểm.
“Với các trường khi tổ chức cho học sinh tham gia dã ngoại hay hoạt động trải nghiệm phải xây dựng kế hoạch cụ thể.
Trường phối hợp, thống nhất với phụ huynh điểm đến, thời gian tổ chức, điều kiện đảm bảo an toàn. Các trường tiểu học, THCS gửi kế hoạch lên phòng GD-ĐT để phê duyệt.
Ngoài ra, số lượng học sinh tham gia cũng hạn chế ở mức nhất định, tương ứng với số lượng giáo viên và người quản lý học sinh, không nên tổ chức đoàn quá đông.
Nhà trường cũng cần phối hợp hội phụ huynh, đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để đảm bảo chuyến đi an toàn.
Với những học sinh không đảm bảo sức khỏe nên ở nhà. Toàn bộ học sinh tham gia cần được tập duyệt tình huống kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố”, bà Phạm Thị Lệ Hằng cho hay.
Tổ chức trải nghiệm, ngoại khóa cho học sinh được quy định thế nào?
Trong Chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nêu rõ: Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS và THPT) nhằm tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thông qua đó, chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống…
Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học; theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường.
Nhà trường có thể tổ chức hoạt động này qua nhiều phương thức, trong đó, phương thức khám phá gồm các hoạt động tham quan, cắm trại, thực địa và các phương thức tương tự khác.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia tất cả các hoạt động giáo dục ở trong và ngoài nhà trường được ngành giáo dục Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Theo đó, ngay từ đầu năm học 2022 - 2023, Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản về bảo đảm an toàn trường học, giáo dục an toàn giao thông phòng, chống tai nạn thương tích... cho học sinh.
Đối với việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, các trường phải xây dựng kế hoạch rõ thành phần tham gia, đơn vị phối hợp thực hiện, thời gian, địa điểm, kinh phí, phương án bảo đảm an toàn, phương án phòng, chống dịch bệnh và lịch học bù cho học sinh, nếu tổ chức vào ngày không được nghỉ theo quy định.
Liên quan đến nội dung này, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cũng khuyến cáo các trường không nên đưa học sinh đi quá xa. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ chính khóa của trường cần bảo đảm hiệu quả giáo dục, có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Hiệu trưởng trường hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Giám đốc Sở GD-ĐT, phụ huynh học sinh về việc triển khai.
Không tổ chức các hoạt động trải nghiệm tự phát Liên quan đến vụ việc học sinh tử vong khi tham gia hoạt động trải nghiệm bắt ngao, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các trường trực thuộc và các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm. Trong đó, tuyệt đối không tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát. "Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các cơ sở giáo dục và đào tạo tham mưu với các cấp lãnh đạo kiểm tra vấn đề an toàn trong các trường học…”, đại diện Sở cho biết. |
|
Hoàng Thanh