Học hỏi kinh nghiệm thế giới nhằm khai thác hợp lý tài nguyên biển
Biển Việt Nam có nguồn thủy sản phong phú
Hiểu rõ hơn về biển, về tiềm năng, lợi thế từ biển là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn khai thác tốt nguồn tài nguyên phong phú này. Bên cạnh đó, việc học hỏi kinh nghiệm của nước trên thế giới về khai thác nguồn tài nguyên biển chính là một trong những giải pháp giúp Việt Nam hoàn thành Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km, gấp 3 diện tích đất liền, bao gồm: Biển có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ở vùng biển nước ta đến nay có khoảng 2.040 loài cá gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có giá trị kinh tế cao khoảng 110 loài. Trữ lượng cá ở vùng biển khoảng 3 triệu tấn/năm. Ngoài ra, có trên 600 loài rong biển là nguồn thức ăn có dinh dưỡng cao và là nguồn dược liệu phong phú. Dưới đáy biển nước ta có nhiều khoáng sản quý như: Dầu khí, Thiếc, ti tan, đi-ri-con, thạch anh, nhôm, sắt, măng gan, đồng, kền và các loại đất hiếm.
Bên cạnh đó, biển Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược: Nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu quốc tế, và phát triển giao thông biển.
Điểm qua các biện pháp được áp dụng rộng rãi trên thế giới nhằm khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhận thấy, xu hướng chung của các nước đang tập trung vào một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý để khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững biển: Tại Trung Quốc, cùng với việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường biển, đến nay Trung Quốc đã ban hành nhiều văn bản pháp qui khác nhau nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển đi đôi với việc bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển. Tương tự như Trung Quốc, nhiều quốc gia khác đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống, công cụ pháp lý về khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững biển ví dụ như Mĩ thông qua Luật Biển vào năm 2000, Canada đã xây dựng và ban hành Luật Biển từ năm 1997, Úc với Luật Bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường trong đó áp dụng toàn diện đối với biển.
Thứ hai, xây dựng các khu bảo tồn biển: Khu bảo tồn biển được xây dựng nhằm để bảo vệ và giữ gìn tính đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa. Theo số liệu thống kê, số lượng khu bảo tồn biển ngày càng tăng trên quy mô toàn cầu.
Thứ ba, quản lý dựa vào cộng đồng: Phương thức quản lý nguồn lợi biển dựa trên cơ sở cộng đồng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển và được thừa nhận là phương thức hiệu quả, ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu bảo tồn khác cũng như nhu cầu sinh kế của con người. Trong khu vực, Phillipine, Indonesia… là những quốc gia đầu tiên sớm mạnh dạn triển khai áp dụng mô hình quản lý dựa vào cộng đồng và đã đạt được những thành công nhất định. Thông qua mô hình này cộng đồng địa phương ven biển được trao quyền cụ thể, có kiểm soát trong việc quản lý các nguồn lợi ven biển.
Thư tư, chú trọng các giải pháp bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển: Lâu nay, đa số dân cư ở vùng ven biển thường nghèo và sống phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi biển. Để giảm thiểu áp lực đối với nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, việc chú trọng tăng cường áp dụng các giải pháp dựa vào thị trường trong quản lý tài nguyên đồng thời chú trọng các giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển cũng được các quốc gia hết sức quan tâm.