Học giả nước ngoài chỉ rõ “lai lịch” bất minh của “đường lưỡi bò”
Trước đó, ngày 12/7/2016, Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 bác bỏ với lý do "không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường Chín Đoạn". Tuy nhiên, “lai lịch” của “đường lưỡi bò” chưa được cộng đồng biết nhiều.
Bằng sự nghiên cứu công phu, dựa trên nhiều tài liệu, học giả Bill Hayton đã chỉ rõ “lai lịch” của đường lưỡi bò phi lý này.
Bill Hayton là phóng viên kỳ cựu của BBC, người từng có nhiều năm theo sát tình hình Biển Đông. Ngoài cuốn sách “Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á”, Hayton còn là tác giả của nhiều cuốn sách, bài báo khác về vấn đề Biển Đông chẳng hạn như “Sự thật, Hư cấu và Biển Đông” đăng trên tạp chí Asia Sentinel.
Trong bài phát biểu của mình tại Phiên thứ nhất, Hội thảo lần thứ 8 về Biển Đông, học giả Bill Hayton diễn giải, năm 1936, ông Bạch Mi Sơ (Bai Meichu), nhà địa lý học nổi tiếng nhất Trung Hoa Dân quốc, xuất bản “Tập bản đồ Xây dựng Trung Quốc mới” bao gồm những thông tin mới về Trung Quốc và được công nhận bởi Ủy ban Thẩm tra Bản đồ của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc lúc bấy giờ.
"Tuy nhiên, bản đồ của Bạch về miền Nam Trung Quốc đã có thêm những yếu tố mới. Lấy dữ liệu từ những thông tin bị dịch sai từ Ủy ban, Bạch đã vẽ Bãi cạn James và Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) thành các đảo. Sau đó, Bạch đã thêm đường chữ U vào xung quanh Biển Đông, chạy theo hướng Nam đến Bãi cạn James và hướng Tây Nam đến Bãi Tư Chính. Đây chính là lần đầu tiên đường chữ U được xuất hiện trên bản đồ Trung Quốc. Nhưng đó không phải là một văn bản nhà nước mà chỉ là một công trình cá nhân" - diễn giả Bill Hayton nhấn mạnh.
Diễn giả Bill Hayton đang phát biểu |
Bill Hayton diễn giải : "Năm 1927, trong khi còn là Trưởng khoa Lịch sử và Địa lý ở Học viện Quản lý Kinh tế Bắc Kinh, Bạch đã từng giảng dạy cho Fu Jiaojian, ZhengZiyue. Sau khi tốt nghiệp, Fu đã tiến hành nghiên cứu sâu hơn tại Đại học Leipzig (Đức)".
Theo diễn giải của Bill Hayton, năm 1938, Fu Jiaojian được bổ nhiệm làm giảng viên tại Đại học Phúc Đán (Fudan University) và được giúp đỡ trở thành Cục trưởng Cục Quản lý lãnh thổ ở Bộ Nội vụ. Còn Zheng theo học ở Đại học Tsukuba (Nhật Bản) và sau đó cũng được làm Giám đốc Địa lý tại Đại học Tây Bắc ở Tây An. Ngày 12/1/1946, Zheng cũng được làm việc ở Cục Quản lý Lãnh thổ.
Một trong những công việc đầu tiên Zheng tiến hành là vạch ra “bản đồ phác thảo địa điểm của các đảo ở Biển Đông” (南海諸島位置略圖). Việc này đã được chỉ định trong cuộc gặp mặt các đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc Phòng và Các Tổng bộ Chỉ huy hải quân Trung Hoa Dân quốc tại Bộ Nội vụ vào ngày 25/9/1946. Bản đồ này có lẽ là văn bản đầu tiên thể hiện đường chữ U xung quanh Biển Đông do Trung Hoa dân quốc công bố.
Một vài tháng sau cuộc họp, Zheng cùng thực hiện sứ mệnh hải quân đầu tiên của Trung Quốc ra các đảo ở Biển Đông. Ngày 12/12/1946, ông này thuộc nhóm đầu tiên có mặt trên đảo Ba Bình, đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa. Vào ngày 14/4/1947, hai tháng sau khi chuyến thám hiểm kết thúc, Bộ Nội vụ đã triệu tập một hội nghị liên Bộ trưởng tái khẳng định một cách kiên quyết rằng “điểm phía Nam xa nhất của lãnh thổ Trung Quốc ở Biển đông chính là là bãi cạn James”.
Cuối năm 1943, Bộ trưởng Thông tin Trung Quốc đã phát hành “Sổ tay Trung Quốc giai đoạn 1937-43” trong đó tuyên bố biên giới phía nam của Trung Quốc là đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa. Bản tái bản năm 1947 chỉ ra rằng “Phần xa nhất về phía nam…của đường biên giới vẫn chưa được giải quyết … và Trung Quốc, Philippines và Đông Dương đang tranh chấp chủ quyền đối với đảo Tuansha (Đông Sa) ở phía nam”.
Tháng 11/1947, Ban quản lý lãnh thổ của Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân quốc đã xuất bản một cuốn sách đồng tác giả là Fu và Zheng, với tiêu đề “Bản ghi chép địa lý đối với những hòn đảo trên Biển Đông” đã ghi lại tiến trình khôi phục và sở hữu lại đối với quần đảo” và bao gồm “bản đồ định vị phác thảo vị trí” được hoàn thành năm trước đó. Trong những tháng sau, Cục Đo đạc dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng nước này đã tiến hành in một bản đồ được gọi là “Bản đồ Vị trí các đảo trên Biển Đông”, bản đồ này giống với bản đồ phác họa nhưng bao gồm cả đường hải lý. Tháng 2/1948, bản đồ này được phát hành như một phần của Bản đồ khu vực hành chính của Trung Hoa Dân quốc và đường hình chữ U cùng với yêu sách về các thực thể bên trong đường chữ U đã trở thành quan điểm công khai của nhà nước Trung Quốc thời đó.
Do đó, cho đến năm 1948, chính quyền trung ương Trung Quốc đã chính thức mở rộng tuyên bố lãnh thổ ở Biển Đông đối với quần đảo Trường Sa cho đến tận phía nam của bãi cạn James, dựa trên đường lưỡi bò 11 đoạn hay còn gọi đường chữ U.
Từ những lý giải trên đây của Bill Hayton, có thể nhận định: Yêu sách đường lưỡi bò hay đường 9 đoạn là một yêu cầu phi lý và không rõ ràng, và sự phủ nhận của cơ quan tài phán quốc tế đối với tính pháp lý của nó là cần thiết và chính xác.
Trong khi đó, Việt Nam đã thực thi chủ quyền nhà nước tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ trước thời điểm đó rất lâu. Điều này thể hiện trong nhiều văn bản mang tính nhà nước như chiếu chỉ của Nhà nước phong kiến cử Hải đội Hoàng Sa, hoạt động cứu hộ cứu nạn, hoạt động khai thác sản vật và nghiên cứu khoa học.... Rất nhiều tài liệu đều cho thấy, Việt Nam đã thực hiện quản lý Nhà nước, thực thi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, và quần đảo Trường Sa, trước khi Trung Quốc "nhòm ngó" đến khu vực này rất lâu.
Lý giải nguyên nhân xuất hiện đường lưỡi bò vô lý, học giả Bill Hayton nhận định:"Có một khả năng là những điều đã xảy ra trong vụ hỗn loạn năm 1930 và những kí ức mới về Chiến tranh Thế giới thứ hai đã được hình thành trong suy nghĩ của giới lãnh đạo về những điều đã xảy ra trong những năm 1930. Có vẻ như họ bị nhầm lẫn giữa cuộc phản đối có thật đã nổ ra để chống lại hành động của Pháp ở Hoàng Sa năm 1932 và một sự phản đối không có thật về hành động của Pháp trên quần đảo Trường Sa năm 1933.
Sự nhầm lẫn sâu sắc hơn có thể xuất phát sự kích động của Hội đồng Chính trị Tây Nam và sự khẳng định chung rằng các đảo đã bị Pháp sáp nhập năm 1933 là chắc chắn thuộc về Trung Quốc. Do đó yêu sách tưởng tượng này đã trở thành những tuyên bố lãnh thổ...".
*Thông tin bài viết dựa trên bài tham luận của Học giả Bill Hayton tại Hội thảo về Biển Đông lần thứ 8.