Hoa tươi nhập từ Trung Quốc "đội lốt" hoa Đà Lạt
Đã có những cơ sở kinh doanh hoa, dù nhập hoa lan từ Trung Quốc nhưng khi bán ra lại cho rằng đó là hoa lan Đà Lạt.
Mạo danh nông sản Đà Lạt là chuyện không mới nhưng càng thời điểm cận Tết vấn đề này lại nóng trở lại. Không chỉ các mặt hàng rau, củ, quả mà nay ngay cả hoa tươi nhập về từ Trung Quốc cũng bị gắn nhãn mác hoa Đà Lạt.
Điều này khiến người trồng hoa Đà Lạt hết sức bức xúc. Trong khi việc tìm đầu ra cho hoa Tết đang gặp trắc trở thì các nhà vườn lại phải đối mặt với tình trạng nhập nhằng, mạo danh thương hiệu hoa.
Một vườn hoa lan của nông dân ở Lâm Đồng. Ảnh: Dân trí.
Được trồng trong khí hậu đặc thù cùng kỹ thuật chuyên nghiệp, sự hoàn hảo là điều dễ nhận thấy ở từng chậu hoa lan Đà Lạt. Chính điều này quyết định đến giá trị thương phẩm của hoa lan khi đưa ra thị trường. Về phía khách hàng, phần lớn vẫn chọn mua hoa lan từ các trang trại ở Đà Lạt.
Tuy nhiên, có một thực tế hết sức nổi cộm đã phát sinh đó là đã có những cơ sở kinh doanh hoa, dù nhập hoa lan từ Trung Quốc nhưng khi bán ra lại cho rằng đó là hoa lan Đà Lạt.
"Sản phẩm hoa lan nước ngoài khi vào Việt Nam không chất lượng nhưng họ vẫn giả nhãn Đà Lạt, nhất là thị trường phía Bắc", ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho hay.
Không chỉ hoa lan mà rất nhiều loại hoa cắt cành khác vốn là những mặt hàng hoa chủ lực của Đà Lạt cũng dễ bị mạo danh.
"Họ lợi dụng danh tiếng Đà Lạt để trà trộn sản phẩm từ Trung Quốc hoặc các tỉnh khác để lấy thương hiệu hoa Đà Lạt rồi bán bằng giá hoa Đà Lạt. Đây là điều không rõ về nguồn gốc và thiệt thòi người tiêu dùng", ông Nguyễn Đình Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt nói.
Được trồng trong khí hậu đặc thù cùng kỹ thuật chuyên nghiệp, sự hoàn hảo là điều dễ nhận thấy ở từng chậu hoa lan Đà Lạt. Ảnh: PLO.
Vùng hoa Đà Lạt mỗi năm cung ứng ra thị trường đến 3,5 tỷ cành hoa. 10% sản lượng phục vụ xuất khẩu, còn lại được tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Chính ở thị trường nội địa lâu nay dù những loại hoa chủ lực ở Đà Lạt đã được cấp nhãn hiệu độc quyền nhưng trong thực tế việc sử dụng nhãn hiệu hoa Đà Lạt vẫn còn rất hạn chế. Đây như là kẽ hở khiến cho chuyện mạo danh hoa Đà Lạt vẫn len lỏi trên thị trường.
Ông Phan Thanh Sang nói: "Chúng tôi mong muốn quản lý thị trường cũng như các cơ quan quản lý sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn hoa nhập khẩu qua con đường kiểm dịch cũng như con đường nhập khẩu tiểu ngạch để bảo vệ cạnh tranh lành mạnh".
Hiệp hội Hoa Đà Lạt tiếp tục khuyến cáo các nhà vườn tự bảo vệ quyền lợi chính mình bằng cách sử dụng nhãn hiệu. Đối với người tiêu dùng, mới đây Hiệp hội Hoa Đà Lạt thông qua nhiều kênh truyền thông cũng đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể để giúp người mua có thể nhận diện đâu là hoa Đà Lạt.
Làng hoa lớn nhất Đà Lạt chìm trong vắng lặng khác thường dịp cuối năm
Mênh mông làng hoa lớn nhất Đà Lạt, thủ phủ hoa lily, vắng không một bóng thương lái, khác hẳn cảnh nhộp nhịp mọi năm. Cận Tết, giá hoa lily Tết vẫn đang bị “bỏ ngỏ”, các thương lái vẫn chưa liên hệ gì, người trồng hoa như ngồi trên lửa
Theo vtv.vn