“Hóa thân” để giờ Ngữ văn không còn buồn ngủ
Đó là cách dạy văn theo phương pháp “hóa thân” đang được áp dụng tại trường Trung học Vinschool. Mỗi học sinh có cơ hội được “hóa thân” thành những nhân vật trong các tác phẩm văn học, khiến văn không còn là môn học gây “buồn ngủ” mà trở nên gần gũi, sinh động.
Mơ gặp tác giả để nói về tác phẩm
Học bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thay vì ngồi đọc rồi phân tích từng câu chữ theo cách cũ dễ khiến học sinh thấy nhàm chán thì cô Lê Thị Thanh Tâm, tổ trưởng Tổ Xã hội trường Trung học Vinschool yêu cầu học sinh viết một bài văn tưởng tượng ra tình huống được gặp mặt tác giả bài thơ trong một giấc mơ để từ đó tìm hiểu, phân tích về tác phẩm.
Kết quả thu được khá bất ngờ, khi mà học sinh không chỉ sáng tạo ra các tình huống dẫn đến giấc mơ gặp tác giả mà còn thể hiện sự hiểu biết về bài thơ “Nhàn” của ông bằng những câu hỏi – đáp liên quan đến nội dung tác phẩm, trong đó lồng ghép những suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân mình về cuộc sống, việc học tập, ...
Có thể lấy ví dụ về bài văn của học sinh Phan Lê Hà Linh (lớp 10A1). Khi được gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm trong tưởng tượng, cô học trò đã khéo léo “lồng” tư tưởng bài thơ “Nhàn” trong cuộc trò chuyện với tác giả: “Mọi thứ vinh hoa trong cuộc sống sẽ chẳng ở lại lâu mà sẽ tan đi như mộng. Chúng ta đừng quan tâm đến những thứ phù du ấy”. Đó cũng chính là thông điệp, tư tưởng xuyên suốt của tác phẩm này.
Hà Linh cũng thể hiện suy nghĩ khá “chín” ở độ tuổi lớp 10 khi khéo léo kể lại lời dạy của “ông” Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Nếu cháu không thể làm được việc gì lớn hơn cho tập thể, cho đất nước, thì ít ra cũng có thể chăm lo chu toàn cho gia đình, người thân của mình, vậy là tốt rồi”.
Đề bài độc đáo trên đã khiến mỗi học sinh có một cách “tiếp cận” khác nhau. Đề văn dạng này còn được các cô giáo phát triển với những tác giả, tác phẩm khác như Nguyễn Trãi, Mị Châu – Trọng Thủy; …
Với những đề văn có tính chất nghị luận – xã hội, giáo viên trường Trung học Vinschool cũng phát huy phương pháp trên để tạo cơ hội cho học sinh rèn luyện nhuần nhuyễn kiến thức, kĩ năng viết, dẫn dắt và phát triển câu chuyện.
Trong chương trình Ngữ văn 7, khi học tác phẩm “Mẹ tôi”, kể về nội dung lá thư của người cha viết cho con khi cậu bé mắc lỗi với mẹ mình, cô Phạm Hiền, giáo viên Ngữ văn khối 7 đưa ra đề bài: “Hãy đóng vai người con viết thư lại cho cha để kể về cảm xúc lúc nhận được thư của cha”.
Cách tiếp cận tác phẩm này giúp các em thấy gần gũi, khơi gợi cảm hứng để các em viết rất hăng say, thậm chí có em vừa viết bài vừa khóc. Bản thân các em sẽ thấy những vấn đề mà các tác phẩm văn học đề cập tới hoàn toàn gắn liền với cuộc sống, suy nghĩ của chính bản thân mình; qua đó sẽ yêu thích môn Văn cũng như thực sự học được nhiều bài học cuộc sống từ đó.
Phương pháp học văn hiệu quả
Đó cũng chính là tác dụng lớn nhất mà phương pháp RAFT – phương pháp “Hóa thân” mang lại cho các em học sinh khi học Ngữ văn. RAFT là tên viết tắt của bốn chữ cái đầu trong các từ Role (Vai), Audience (Khán giả), Format (Định dạng), Topic (Chủ đề). Phương pháp được áp dụng tại Mỹ, chú trọng đến việc dạy học sinh cách đọc, hiểu và viết. RAFT giúp học sinh tạo ra một khuôn thức viết mới, thể hiện được cái nhìn và cách khai thác vấn đề của chính các em.
Cô Phạm Hiền chia sẻ, khi áp dụng phương pháp RAFT vào các bài giảng, phản ứng của học sinh rất tích cực. Các em hứng thú hơn, phát biểu nhiều hơn bởi phương pháp này trao cho các em cơ hội được nói, được chia sẻ quan điểm riêng của mình.
Nếu như với phương pháp giảng dạy cũ, cô nói – trò nghe, ít tạo ra được sự liên kết và các em bị thụ động trong việc tiếp thu kiến thức thì với RAFT, học sinh phải tìm hiểu mình đóng vai trò (Role) gì trong bài giảng, từ đó các em được chủ động trong cách viết bài.
Với mỗi vai trò khác nhau thì đối tượng khán giả (Audience) cũng khác nhau, bởi vậy, khi viết các em phải xác định mình viết cho ai, từ đó tìm ngôn từ và cách diễn đạt cho phù hợp. Giáo viên có thể khai thác sức sáng tạo tối đa của học sinh khi yêu cầu các em tiếp xúc với những cách viết mới (Format) như tạo ra một cuộc phỏng vấn hay viết một bức thư cho ai đó, từ đó tạo cho các em sự hiểu biết đa dạng và cách viết bài mới.
Từ cách viết đa dạng, khác nhau thì chủ đề (Topic) của văn bản cũng thay đổi, yêu cầu học sinh trước khi viết bài phải đọc kĩ văn bản, phải thực sự hiểu thì mới viết đúng được.
Với phương pháp “Hóa thân” này, cô giáo và học sinh phải tương tác với nhau nhiều hơn để thực sự hiểu bài học, từ đó sẽ giúp học sinh biết cách tư duy phản biện và đặc biệt kích thích sự sáng tạo tối đa của học sinh trong học tập, điều mà nhà trường rất chú trọng giáo dục cho học sinh.
Chú thích ảnh:
1. Học sinh Vinschool hào hứng trong các giờ học Ngữ văn
2. Tích cực áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp dạy học hiện đại, học sinh sẽ yêu thích và chủ động học môn Ngữ văn
3. Sáng tạo và chủ động là những thói quen mà học sinh sẽ được rèn luyện thông qua các phương pháp học tập mới
4. RAFT là phương pháp học văn hiệu quả với học sinh
PV