Hóa đơn tiền điện tăng vì đổi ngày ghi số, hàng triệu khách hàng có lo thiệt?
Việc hóa đơn tiền điện của hàng triệu khách hàng ở Hà Nội tăng cao là vì từ ngày 29/2 EVN Hà Nội đổi ngày ghi chỉ số vào cuối tháng. Do đó trong lần thông báo hóa đơn tiền điện này, số ngày tính tiền điện là gần 2 tháng, thay vì chỉ 1 tháng như bình thường.
Không ít khách hàng băn khoăn việc phải chịu cộng dồn số điện của gần 2 tháng có làm cho họ phải chịu giá điện bậc cao hơn, tốn nhiều tiền hơn hay không. Bởi giá điện hiện nay được thiết kế làm 6 bậc, trong đó bậc 1 có giá thấp nhất (50 số đầu là 1.806 đồng/kWh), bậc 6 có giá cao nhất (401 số trở lên có giá 3.151 đồng/kWh).
"Tính gộp 2 tháng thì chết bởi phải trả tiền theo 6 bậc lớn hơn trả theo từng tháng", nhiều khách hàng chung băn khoăn.
Tuy nhiên, đại diện EVNHANOI khẳng định không có việc người dân phải trả tiền theo bậc cao nhất do thay đổi ngày ghi chỉ số.
Theo đó, trước đây, các hộ dân ghi chỉ số công tơ ngày mùng 3 hàng tháng nhưng với quy tắc mới, sẽ chốt công tơ ngày 29/2. Đồng nghĩa, số ngày thực tế của kỳ hóa đơn này tăng lên thành 57 ngày. Số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 từ 50kWh (theo quy định) được tính tới 92kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100 số lên 184 số.
Dưới đây là trường hợp cụ thể một khách hàng thuộc khu vực ghi điện mùng 3 hàng tháng, kể từ tháng 2/2024 chuyển về ghi điện ngày cuối tháng, kỳ hóa đơn sẽ tính toán như sau:
EVNHANOI khẳng định: Quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo do mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ trong tháng có thay đổi.
EVN Hà Nội cho hay việc điều chỉnh ngày ghi chỉ số công tơ điện thống nhất trên địa bàn (ngày cuối cùng của tháng) mang lại lợi ích cho các bên. Với khách hàng sinh hoạt sẽ giúp dễ giám sát và kiểm tra quyền lợi, dễ ghi nhớ ngày ghi chỉ số công tơ, biết chắc chắn lượng điện năng sử dụng trong tháng. Với doanh nghiệp sẽ giúp thực hiện đúng quy định của kế toán.