Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán: Thiếu nhất là nguồn nhân lực và tài chính
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Liên, Chi Cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Bắc Giang khi trao đổi với PV Infonet xung quanh công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Bắc Giang phát biểu trong một hội thảo (Ảnh: Chi Cục PCTNXH BR- VT) |
Thưa bà, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang hỗ trợ cho bao nhiêu nạn nhân bị mua bán?
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang hỗ trợ cho 100 nạn nhân, kể cả những người có nguy cơ cao với mức hỗ trợ vốn sinh kế 8 triệu đồng/người.
Còn tiền hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng của nhà nước là 2 triệu đồng/người. Theo quy định, đã đưa về địa phương để hỗ trợ nguồn lực này. Hàng năm, chúng tôi có văn bản chỉ đạo xuống các huyện để tập trung công tác lập hồ sơ và hỗ trợ nạn nhân.
Các đối tượng không đồng đều ở độ tuổi cũng như trình độ văn hóa, người ít tuổi nhất là 18 tuổi, lớn tuổi nhất 50 tuổi và toàn là phụ nữ, chỉ có 3 nam giới là bị buôn bán trong nước.
Vậy, tỉnh Bắc Giang đã gặp những khó khăn gì trong quá trình thực hiện công tác tiếp nhận, xác mình và hỗ trợ nạn nhân?
Khó khăn thứ nhất là nguồn lực, đây là cái rất quan trọng, nhiều khi rất muốn hỗ trợ nạn nhân nhưng nguồn lực không có. Chúng tôi đã phải cố gắng hết sức để kết nối với nhiều nguồn lực khác để thực hiện bởi chỉ mời chuyên gia về dạy trồng trọt, chăn nuôi hay tuyên truyền… đều cần có nguồn lực, nếu không có thì rất khó triển khai.
Cái chính là nguồn lực, phải có nguồn lực để giúp các nạn nhân phát triển kinh tế là điều cần thiết.
Số tiền hỗ trợ 8 triệu đồng/người là do chúng tôi phải kết nối với dự án, chứ không phải là nguồn lực của Trung ương. Mức hỗ trợ hiện nay của Nhà nước là 2 triệu đồng/người thì rất khó cho nạn nhân có thể học được một nghề để tái hòa nhập cộng đồng.
Khó khăn thứ hai đó là, nạn nhân trên địa bàn tỉnh có trình độ học vấn không đồng đều nên việc tiếp nhận các dịch vụ như dạy nghề không theo được.
Do không có nguồn lực hỗ trợ ngành làm công tác tuyên truyền nên chúng tôi phải lồng ghép cùng chương trình ma túy, mại dâm để tuyên truyền về công tác phòng chống buôn bán người. Trong đó, chú trọng nhất tới các công tác hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng và công tác chuyển tuyến để các em có tay nghề phát triển kinh tế gia đình.
Xin bà có thể nói rõ hơn về việc kết nối nguồn lực với các dự án khác như thế nào?
Hiện nay chúng tôi đã kết nối được với những tổ chức như tổ chức di cư quốc tế (IOM), một tổ chức ở miền Nam về hỗ trợ vốn sinh kế, tổ chức Unicef, tổ chức Uniap…..
Sau khi nói về thực trạng tình hình trên địa bàn, Dự án thấy được sự đồng thuận cao thì họ sẽ hỗ trợ. Nhưng không phải kết nối ngay được, họ cũng phải kiểm tra, khảo sát thực tế, gặp trực tiếp nạn nhân và xem Bắc Giang làm như thế nào…. rồi mới quyết định.
Làm được việc này người cán bộ thực sự phải tâm huyết, thực sự phải quan tâm đến những nạn nhân bị mua bán. Nếu đến chỉ đi họp, tiếp nhận thông tin thì không bao giờ kết nối được các Dự án, mà phải ngồi trao đổi, đưa ra những hướng giải quyết phù hợp như thế nào thì Dự án họ mới hỗ trợ.
Chúng tôi thường hỗ trợ bằng vốn sinh kế để tạo động lực cho các chị em, chứ nếu cho thẳng tiền thì cũng hết mà kém hiệu quả.
Nhờ vậy mà đến nay công tác hỗ trợ nạn nhân của chúng tôi đã hỗ trợ được rất nhiều trường hợp, kể cả người có nguy cơ cao bởi phòng ngừa là chính, từ những người đó họ sẽ tuyên truyền cho cộng đồng. Đã kết nối, chuyển tuyến cho nhiều chị em để tham gia đào tạo tại Hà Nội; nhiều người có cửa hàng riêng, đã lập gia đình có con cái, có tay nghề ổn định.
Xin cảm ơn bà.
Theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người về đối tượng và chế độ hỗ trợ đôi với nạn nhân của các vụ mua bán người, nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, thì tùy trường hợp quy định được hưởng các chế độ hỗ trợ gồm: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.
Nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, thì tùy trường hợp quy định được hưởng các chế độ hỗ trợ quy định. Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân, thì tùy trường hợp quy định của Luật này được hưởng chế độ hỗ trợ quy định.
Luật quy định trong trường hợp cần thiết, nạn nhân được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác trên cơ sở điều kiện thực tế và đặc điểm về lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe của nạn nhân. Nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì được hỗ trợ các khoản chi phí này.
Trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nếu nạn nhân cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh.