Hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ ASEAN làm chủ khôi phục sau Covid-19
Hôm 12/10, tại Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ hai, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) đã công bố Bản tóm tắt Chính sách hành động ASEAN: Báo cáo Kinh doanh và Bình đẳng giới để thực thi Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEP) như một phần trong quá trình phục hồi kinh tế toàn diện sau Covid-19.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đã nhấn mạnh vai trò thay đổi của phụ nữ như tác nhân của sự phát triển kinh tế tổng thể.
“Không chỉ là tính cấp thiết về đạo đức, thu hẹp khoảng cách giới còn có ý nghĩa với nền kinh tế”, ông Hoi cho hay.
Bản tóm tắt chính sách hành động chú trọng tới vấn đề trong khi khu vực ASEAN đã có những thành tựu thu hẹp dần khoảng cách về giới, “phụ nữ vẫn chưa được quan tâm đầy đủ về những tác động tiêu cực của dịch bệnh gây ra như nạn thất nghiệp, nguồn thu nhập thất thu, doanh nghiệp phá sản, gia tăng tình trạng bạo lực gia đình, gia tăng thời gian làm công việc nhà mà không được trả lương, và gia tăng trách nhiệm chăm sóc gia đình. Do đó, sự hồi phục toàn diện của nền kinh tế đang bị kéo xuống”.
ASEAN và các quốc gia thành viên đã có cơ hội thúc đẩy phụ nữ tham gia và trao quyền hoạt động kinh tế bằng cách phát triển các chính sách công để tạo thêm sự công bằng trong quá trình tham gia và lãnh đạo doanh nghiệp đối với phụ nữ, cũng như khuyến khích các công ty trong lĩnh vực tư nhân báo cáo chỉ số cải thiện bình đẳng giới.
Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong kinh doanh được xem là chìa khóa trao quyền kinh tế, và từ đó mở rộng sự phát triển xã hội và kinh tế. Chính phủ các nước ASEAN đã đưa ra nhiều cam kết mang tính quốc tế và trong nước để hỗ trợ những nỗ lực trong ngành tư nhân đi theo hướng đi này.
“Chúng tôi xác nhận sự cam kết mạnh mẽ của các doanh nghiệp để thông qua và triển khai Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEP), cũng như cam kết của ASEAN để thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Sự kết hợp giữa các nỗ lực có thể tạo ra con đường quan trọng cho quá trình phục hồi sau Covid-19”, bà Sarah Knibbs, người đứng đầu tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ.
Bản tóm tắt chính sách hành động hối thúc ASEAN và các quốc gia thành viên triển khai 3 phương án ưu tiên để trao quyền cho các nữ lãnh đạo doanh nghiệp và nữ lao động gồm thực thi các cam kết cấp cao; nâng cao bình đẳng giới ở nơi làm việc và môi trường kinh doanh; thúc đẩy lĩnh vực tư nhân báo cáo tiến trình bình đẳng giới.
Bản tóm tắt cũng đề cập tới những thành tựu mang tính khả quan trong khu vực như số lượng quản lý cấp cao là nữ giới ở Malaysia đã gia tăng thời gian gần đây, sau khi các nhà lãnh đạo nước này triển khai hàng loạt mục tiêu hỗ trợ phụ nữ trên vai trò nhà lãnh đạo. Indonesia, the Philippines và Singapore cũng yêu cầu các công ty đưa ra bản báo cáo hàng năm về các chỉ số liên quan tới bình đẳng giới.
UN Women là một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Là một tổ chức đi đầu toàn cầu vì phụ nữ và trẻ em gái, UN Women được thành lập để đẩy nhanh tiến độ đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.
Minh Thu