Hồ sơ khác biệt, nam sinh trường Ams giành học bổng 6 tỷ đồng
Trần Đình Dũng (SN 2004) là cựu học sinh lớp chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Dũng từng gặt hái nhiều thành tích ở bộ môn Vật lý và Thiên văn như giải Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Huy chương Vàng Olympic Vật lý Bắc Âu – Baltic, Huy chương Vàng Olympic quốc tế về Thiên văn và Vật lý thiên văn.
Mới đây, Dũng nhận tin trúng tuyển ngành Vật lý, Đại học Dartmouth – ngôi trường nằm trong nhóm Ivy League danh giá. Nam sinh nhận được mức hỗ trợ tài chính lên tới 260.000 USD cho 4 năm, tương đương hơn 6 tỷ đồng.
“Tình yêu Vật lý đến rất tự nhiên”
Dũng cho biết, tình yêu môn Vật lý của em đến rất tự nhiên. “Hồi còn bé, giống như nhiều đứa trẻ, mỗi khi đọc sách báo liên quan đến vũ trụ hay các chòm sao, em đều mơ ước sau này được trở thành phi hành gia”.
Tình yêu thiên văn cứ thế lớn dần lên. Dũng tìm tới Vật lý để lý giải về các hiện tượng và đặc tính của thiên thể.
Được mẹ khuyến khích, em quyết định thử sức và thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Môi trường này, theo Dũng, đã giúp em có cơ hội nhìn nhận rõ hơn về bản thân và có thêm khát vọng để vươn xa.
Ở trường, Dũng cùng một người bạn lập nên câu lạc bộ về Vật lý và Thiên văn với mong muốn đưa hai lĩnh vực này trở nên gần gũi, thiết thực hơn với nhiều người.
Cậu học trò trường Ams sau đó cũng thử sức với một số cuộc thi về Vật lý và giành giải Ba học sinh giỏi quốc gia, Huy chương Vàng Olympic Vật lý Bắc Âu – Baltic, Huy chương Vàng Olympic quốc tế về Thiên văn và Vật lý thiên văn.
Khác với dự định ban đầu sẽ theo học một ngôi trường đại học trong nước, việc tham gia vào các cuộc thi quốc tế và gặp những người giỏi nhất trong lĩnh vực khiến Dũng nhen nhóm mong muốn được tiến xa hơn với bộ môn này.
Vì thế, vào thời điểm giữa năm lớp 12, Dũng quyết định chuyển hướng để đi du học. Quyết định gấp gáp khi chưa thi chuẩn hóa, chưa tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, IELTS dù ổn nhưng chưa đủ cao để cạnh tranh… Dũng chọn cách “gap year” 1 năm để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn cho tất cả những điều đó.
“Trong một năm ấy, khi lắng nghe câu chuyện của những người bạn cấp 3 đang làm công việc trợ lý nghiên cứu hay được đi trải nghiệm nhiều nơi và học thêm nhiều kỹ năng mới… em cũng hơi sốt ruột và chạnh lòng”, Dũng thừa nhận.
Tuy vậy, biến áp lực thành động lực, Dũng dành phần lớn thời gian “gap year” để hoàn thiện hồ sơ, tự học thêm các khóa học online, nghiêm túc suy nghĩ về các kế hoạch tương lai.
Ngoài ra, Dũng còn làm cố vấn cho đội tuyển Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn, cố vấn dạy Toán của dự án “Đại sứ Thanh niên STEM” cho học sinh miền núi.
Bộ hồ sơ khác biệt
Dành 2/3 năm cấp 3 để tham gia các cuộc thi về Vật lý, quãng thời gian “gap year” cũng là lúc Dũng “bù đắp” lại và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ngoại khóa.
Tại dự án “Keep Hanoi Clean”, Đình Dũng với vai trò thu thập thông tin đã ứng dụng công nghệ AI để hỗ trợ tạo hành trình thu thập rác thải trong thành phố. Thông qua đó, em được truyền cảm hứng về việc sử dụng các kiến thức khoa học tự nhiên trong xử lý vấn đề về rác thải và môi trường.
Ngoài ra, Dũng còn tham gia nghiên cứu ở một trường đại học, gây quỹ cho một dự án giúp đỡ những người phụ nữ phải chịu cảnh bạo lực gia đình và dạy tiếng Anh cho trẻ em vùng khó tại Lào Cai.
Dù tham gia không quá nhiều các hoạt động, nhưng những dự án em tham gia đều là những điều vô cùng tâm huyết.
Với bài luận, Dũng nói về đam mê thiên văn học và mong muốn của em trong việc áp dụng kiến thức khoa học nói chung vào cuộc sống.
“Sau vài tỷ năm, Mặt Trời cũng chết đi, kéo theo một số hành tinh khác cũng biến mất. Khi ấy, những ngôi sao cũng sẽ không còn tồn tại. Nhưng vào thời điểm chết đi, các ngôi sao sẽ giải phóng các sản phẩm được tạo ra từ các phản ứng nhiệt hạch. Đây thật ra cũng chính là chất liệu để tạo ra những ngôi sao mới. Một thế hệ mới lại tiếp tục tiếp nối và hình thành”, Dũng viết trong bài luận.
Từ câu chuyện của những vì sao, Dũng liên hệ tới cuộc sống bên ngoài. Kinh nghiệm mà thế hệ trước để lại luôn có sự tiếp nối của thế hệ sau. Chính niềm cảm hứng này đã tạo nên trong Dũng mong muốn có thể tiếp nối và sửa chữa những sai lầm của thế hệ trước.
Ngoài ra, trong các bài luận phụ, Dũng còn đề cập nhiều đến câu chuyện liên ngành. Đây là lý do theo Dũng, “Dartmouth và em trùng khớp với nhau”.
“Vật lý ngày nay giống như một bộ môn liên ngành, do có sự liên quan tới cả Toán, Hóa, Sinh. Em muốn học Lý vì ở lĩnh vực này, em luôn phải học thêm những lĩnh vực khác để bổ trợ, Sự hiểu biết toàn diện thay vì chỉ giỏi một lĩnh vực là điều không chỉ Dartmouth mà hầu hết các trường đại học hàng đầu thế giới muốn tìm kiếm ở sinh viên”, Dũng nói.
Do đó 10X cho rằng, bên cạnh chuyên ngành mình theo đuổi, ứng viên cần có từ 1 – 3 đam mê khác và phải thể hiện rõ ràng sự quyết tâm, cống hiến với đam mê ấy trong thời gian đủ dài.
“Ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường, học sinh có thể đưa ra định hướng về các ngành học, đam mê, sở thích của bản thân. Thậm chí, định hướng ấy có thể đến rất sớm, từ khi các em còn học cấp 2.
Lên bậc cao hơn, học sinh nên tiếp cận với các kỳ thi hoặc hoạt động liên quan tới những môn học mình yêu thích nhằm củng cố thêm kiến thức. Ngoài ra, việc tiếp xúc nhiều hơn với thực tế cũng sẽ giúp ứng viên xây dựng được hồ sơ ngoại khóa mạnh và liên quan đến chuyên ngành muốn học”, Dũng nói.
Theo Dũng, hiện nay, nhiều trường và nhiều phòng lab đang mở ra cơ hội cho học sinh cấp 3 tham gia vào việc nghiên cứu. Đây cũng là lợi thế cho học sinh, bởi các trường đại học trên thế giới luôn đánh giá cao những nghiên cứu có sức ảnh hưởng tới xã hội.
Mùa thu này, Đình Dũng sẽ lên đường sang Mỹ. Tận dụng quãng thời gian còn lại ở Việt Nam em sẽ tiếp tục học thêm một số kiến thức về lập trình và tự học các môn Toán ở bậc đại học để chuẩn bị sẵn sàng hơn khi tới Dartmouth.
Thúy Nga