Hãy tự bảo vệ con mình trước khi pháp luật "vươn" tới
Là một bà mẹ có con gái cũng từng bị cô giáo bạo hành, tôi rất phẫn nộ khi đọc được bài báo .
Bé mầm non bị cô đè xuống sàn, trói tay chân, nhét khăn vào miệng
Bản thân tôi là một giáo viên dạy đại học, tôi và gia đình đều áp dụng phương pháp “kỷ luật không nước mắt” nên bé con nhà tôi chưa bao giờ bị đánh đập hay bị mắng quá căng thẳng.Tuy vậy, cháu rất ngoan và nghe lời, tỏ ra hiểu chuyện khi người lớn nói. Chính vì thế, khi bắt đầu cho con đi học, gia đình tôi rất yên tâm. Vậy mà chỉ sau 5 hôm đến lớp, cháu nhà tôi từ một cô bé lanh lợi, đã trở nên nhạy cảm vô cùng, luôn sợ hãi, luôn cần bố mẹ bế.
Lúc đầu tôi chủ quan, nghĩ rằng con mình mới đi học nên nhớ bố mẹ, nhưng tình trạng này kéo dài, cháu không thể rời bố mẹ một phút. Chưa kể trên chân cháu còn có rất nhiều vết sưng, thâm rất mới. Tôi nghi ngờ con bị cô giáo đánh, hỏi một cô giáo thì cô ta nói rằng cháu nghịch ngợm, chạy chơi với các bạn, vấp té nên sưng tím là bình thường.
Tôi kiểm tra chéo bằng cách hỏi một cô giáo khác rằng con tôi hay khóc có phiền các cô không, thì cô giáo này cho biết, bé khóc suốt nên các cô phải cưng nựng, bế trên tay suốt ngày. Nếu đúng như cô này nói thì con tôi làm gì có lúc nào chơi đùa vui vẻ với các bạn mà vấp té?
Tôi và chồng bàn nhau “đột kích” lớp học của con vào hôm sau. Chúng tôi phát hiện ra sự thật kinh hoàng rằng cháu nhà tôi và hai bạn hay khóc khác bị nhốt cả ngày trong phòng tối, trước đó, các cháu bị cô lấy thước vụt vào chân để làm gương cho các bạn khác.
Bạn nên bất ngờ đến lớp học của con để kiểm tra (Ảnh minh họa) |
Sau khi giải cứu con khỏi phòng tối đó, chúng tôi đã báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng và ngôi trường cùng cô giáo đó đã bị xử lý.
Qua sự việc của con tôi và sự việc mới nhất xảy ra hôm qua tại Quảng Bình, tôi muốn chia sẻ một vài cách để nhận biết trẻ bị bạo hành ở trường. Các ông bố, bà mẹ phải biết cách để tự bảo vệ con mình trước khi pháp luật nghiêm minh "vươn" được cánh tay tới.
1. Biểu hiện tâm lý
- Khi bị cô giáo đánh, la mắng hay ngược đãi, trẻ thường có biểu hiện tâm lý giống trầm cảm hoặc bị trầm cảm, lo âu, sợ hãi. Trẻ ngủ không ngon vào ban đêm, dễ giật mình, la hét. Trẻ có thể, lười ăn, dễ khóc, khi ăn dễ nôn trớ.
- Trẻ có biểu hiện sợ ăn, không chịu ăn, thậm chí còn nôn ọe dù trước đó trẻ không hề có biểu hiện này. Điều này cho thấy có thể ở trường trẻ bị ép ăn hoặc dọa nạt nên có xu hướng sợ mỗi khi ăn.
- Trẻ khó ngủ, ngủ không sâu, không ngon giấc, dễ giật mình, la hét, hay mớ.
- Trẻ có thể nghiến răng, cắn móng tay, thở nhanh, hồi hộp hoặc toát mồ hôi khi về nhà.
- Trẻ rất sợ đi học vì sợ gặp cô giáo, sợ bị phạt, bị dọa. Thường trẻ sẽ khóc lóc và không chịu vào lớp, đặc biệt, nếu nhìn thấy cô giáo, nỗi sợ càng tăng cao và trẻ khóc lớn hơn. Tuy nhiên, khi cô giáo yêu cầu trẻ nín trẻ sẽ tỏ ra sợ sệt và mếu máo. Lúc cô giáo đón trẻ vào lớp trẻ sẽ khóc thảm thiết và nhoài về phía cha mẹ.2. Quan sát cơ thể con
Cơ thể con chính là bằng chứng cụ thể nhất về việc trẻ có bị bạo hành ở lớp hay không. Chỉ cần quan sát kỹ bàn tay, chân, cổ, mông, má của trẻ trước và sau khi đón trẻ về là cha mẹ có thể biết được chuyện gì đã diễn ra ở trường. Nếu xuất hiện vết bầm, tím, lằn thì cần phải xác nhận ngay lí do trẻ bị như vậy do té hay do đánh nhau với các bạn.
Trong trường hợp té hay đánh nhau mà cô giáo không thông báo cho cha mẹ biết thì cha mẹ cần phải lưu ý đặc biệt vấn đề này. Nếu có thể thì nên theo dõi trong một thời gian ngắn hoặc chuyển trường, khiếu nại nếu tình trạng con nặng hơn.
3. Trò chuyện với con
Lúc đón con, chở con về, ba mẹ hãy trò chuyện cùng trẻ, gợi cho trẻ kể xem hôm nay ở lớp có chuyện gì. Câu chuyện giữa 2 mẹ con có thể chỉ xoay quanh vấn đề trẻ ăn gì hôm nay, ăn được nhiều không, con được cô dạy những gì, con chơi với các bạn vui không, mai con có muốn đi học không?
Thường xuyên nói chuyện để nắm bắt được tâm lý con |
Có rất nhiều câu hỏi mà nhờ đó cha mẹ có thể biết trẻ được tình hình trẻ học ở lớp. Và cũng nhờ thường xuyên trò chuyện với con, anh chị có thể tình cờ sẽ biết được con có bị bạo hành hay không vì trẻ không biết nói dối.
Thấy vết thương của trẻ các bạn đừng vội tức giận, quát tháo và hỏi trẻ: “Cô đánh con phải không? Mẹ sẽ cho cô '”biết tay'”...". Điều đó, có thể gia tăng sự sợ hãi, ác cảm về cô với trẻ (dù cô đối tốt với trẻ) hoặc dẫn đến việc trẻ nói dối để khỏi đến trường, nhất là trẻ bốn tuổi trở lên. Thay vào đó, phụ huynh nên hỏi trẻ những câu đơn giản như: “Hôm nay con có vui không? Con có nhớ mẹ rồi khóc nhè không? Cô dạy con hát, múa bài gì? Con ăn có ngon không? Con tự xúc ăn hay cô đút?
Có khi bé sẽ tự kể, con ăn chậm, con không nuốt, cô đút nên cô mắng. Sau đó tôi mới hỏi: “Cô chỉ mắng con thôi à?” thì bé khẳng định là cô chỉ mắng thôi. Việc trò chuyện, lắng nghe trẻ cũng giúp phụ huynh có nhiều thông tin về giáo viên.
Như con gái tôi hiện nay, tôi đã cho cháu học trường khác được hai năm. Thông qua các cách trò chuyện trên, tôi biết được thỉnh thoảng con vẫn bị mắng vì ăn chậm, nhưng cháu không bị các cô đánh đập hay bị nhốt.4. Tinh ý nhìn con trong lúc chơi
Trẻ nhỏ thường bắt chước người lớn, trong đó có trò chơi giả làm cô giáo là các bé rất thích. Hãy quan sát cách con đối xử với những “học trò” gấu bông, búp bê của mình, cha mẹ sẽ thấy nhiều điều bất ngờ.
Nhìn con vui đùa để quan sát thay đổi từ con |
Có gia đình tôi quen, chỉ từ việc cô con gái lấy thước kẻ vụt liên tiếp vào đầu con gấu bông khi chơi trò chơi cô giáo mà vợ chồng anh chị đã biết ở lớp cô giáo đối xử với con ra sao. Vì trẻ thường có xu hướng bắt chước cô giáo ở lớp rồi về áp dụng với “học trò” của mình. Nhưng dấu hiệu này, bố mẹ cần phải kiểm chứng thêm.
5. Bất ngờ ghé thăm con
Việc làm này sẽ khiến các anh, chị có thể quan sát được một cách khách quan tình hình diễn ra ở lớp của trẻ vì các thầy cô không hề có sự chuẩn bị trước để dàn dựng. Khi mới cho con đi nhà trẻ, sau 1 tuần cha mẹ có thể bất ngờ đến thăm con để biết con đang được học trong môi trường như thế nào. Thời gian sau này có thể cách xa nhau hơn. Nếu tôi và chồng không “đột kích”, cháu bé nhà tôi sẽ còn chịu cảnh bị nhốt trong phòng tối và đánh đập trường kì.
Điều cuối cùng tôi muốn nói là các ông bố, bà mẹ hãy sử dụng sự tinh ý, nhạy cảm của mình để nhận biết những thay đổi từ chính đứa con của mình, từ đó có phương thức bảo vệ bé hiệu quả.
“Bạn phải luôn đoán. Một đứa trẻ có thể có rất nhiều lí do để cư xử khác lạ. Tuy nhiên, bố mẹ luôn là người hiểu rõ con mình nhất nên bạn phải tin tưởng vào bản năng của mình”, Kathy Baxter - Tổng giám đốc của một trung tâm bảo trợ xã hội ở Mỹ nói.
Baxter gợi ý các bậc cha mẹ nên thường xuyên hỏi con những câu như “Có điều gì xảy ra hôm nay mà con không thích không?” hay “Con có bao giờ thấy sợ cô giúp việc không?”. “Trẻ nghĩ vì mình đã làm sai điều gì đó nên mới bị ngược đãi nên trong hầu hết các trường hợp, chúng sẽ im lặng”, Baxter cho biết.
Nếu con bạn không giỏi giao tiếp, việc xác định bé có bị ngược đãi hay không sẽ trở nên rất khó khăn. Điều bạn có thể làm là quan sát cẩn thận hơn những dấu hiệu bất bình thường.