Hành trình theo dấu chân Người
Trong tâm thức của người Việt, ngày 5/6/1911 là một trong những dấu mốc quan trọng của hành trình đi tìm con đường giải phóng dân tộc, giành độc lập cho quê hương. Ngày mà chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết đi về Phương Tây thay vì Phương Đông như các nhà cách mạng tiền bối để quyết tâm tìm đường cứu nước. Bến cảng Nhà Rồng ngày nay trở thành bảo tàng (tọa lạc tại Phường 12, Quận 4, TP. HCM) là địa chỉ đỏ cho những người kính yêu Bác Hồ đến tham quan những ngày này.
Bến cảng Nhà Rồng là một thương cảng lớn do Pháp xây dựng. Ngày 5/6/1911, chàng trai Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước. Sau năm 1975, bến cảng này được xếp vào di tích lịch sử, được Đảng và Nhà nước quy hoạch trùng tu, xây dựng thêm, tạo dựng thành Bảo tàng Hồ Chí Minh trang nghiêm, sạch đẹp như ngày nay.
Lược lại lịch sử, ngày ấy Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville rời Sài Gòn với chân phụ bếp, để theo tàu sang châu Âu đi tìm đường cứu nước. Người đã bôn ba qua 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ với gần 30 quốc gia để lao động, học tập, tham gia hoạt động các mạng, tìm kiếm con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Trên hành trình ra đi ngày ấy, hành trang của người chỉ là một khát khao cháy bỏng, tìm ra được đường hướng giải phóng dân tộc tránh vết xe đổ của các bậc tiền bối.
Trong bối cảnh đầu thế kỷ 20, chứng kiến ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, chứng kiến đất nước trong cảnh lầm than, nhân dân ta “một cổ hai tròng”, bị chà đạp, áp bức, bóc lột tàn bạo; chứng kiến các phong trào yêu nước hưởng ứng chiếu Cần Vương như: khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, phong trào Đông Kinh nghĩa thục của Phan Bội Châu… nhưng tất cả đều thất bại, Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm tìm một lối đi riêng.
Sớm nhận ra dân tộc cần phải có con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do. Nung nấu quyết tâm đi tìm con đường đó, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi bộ từ Phan Thiết để tới Sài Gòn, tìm cơ hội đến phương Tây, thực hiện ước mơ cháy bỏng đó. Đây chính là bước ngoặt quan trọng, mở đầu cho quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Trong hồi ký của Người, Người từng viết: Tôi chỉ có một mong muốn cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Để rồi, qua gần hết thời trai trẻ năm sinh sống ở các nước, Bác đã tìm thấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản.
Sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, Bác đã trở về Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (2/9/1945). Đúng như văn phong của giới trẻ ngày nay khi nói về Người nhân dịp kỉ niệm sinh nhật (19/5/1890) và ngày Người ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911), Chủ tịch Hồ Chí Minh là thanh niên khởi nghiệp thành công.
Chia sẻ tâm trạng khi lần đầu ra thăm Lăng Bác và tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, bạn Thanh Bình (học sinh lớp 11 trường THPT Trung Nghĩa, Phú Thọ) cho biết: “Em từng nghe về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ qua tivi và sách vở. Lần đầu tiên em đến tham quan Bảo tàng và rất ấn tượng với hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người. Sau khi được nghe những khó khăn trên con đường bôn ba ở nước ngoài, bản thân em rất xúc động. Em tự hứa với bản thân cần học tập tốt hơn để xứng đáng với sự kỳ vọng của cha mẹ đồng thời qua chuyến đi này, cuộc đời hoạt động của Bác Hồ chính là nguồn cổ vũ lớn lao cho những ước mơ sau này của em”.
Nam Phương