Hàng trăm hồ đập nguy cơ thành 'quả bom nước' trước mùa mưa ở Tây Nguyên
Các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa. Theo dự báo, mưa sẽ rất thất thường, lượng mưa có thể rất lớn so với các năm trước, hàng loạt hồ đập có nguy cơ mất an toàn.
Hồ thuỷ lợi Đắk Sắk (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) có sức chứa hơn 7 triệu mét khối nước. Tuy nhiên, công trình này từng bị thấm nước qua thân đập nghiêm trọng và được gia cố cách đây 30 năm trước.
Kể từ đó tới nay hồ thuỷ lợi Đắk Sắk được xem là quả bom nước không biết sẽ vỡ khi nào vì kể từ khi gia cố cho tới nay công trình này không được kiểm tra, duy tu trở lại.
Hồ thuỷ lợi Đắk Sắk từng bị thấm nước và thân đập và phải gia cố cách đây 30 năm trước. |
Theo ông Nguyễn Trương, Giám đốc Chi nhánh Công ty thủy lợi Đắk Nông (đóng tại huyện Đắk Mil), đập thủy lợi Đắk Sắk hiện nay có vai trò quan trọng hơn trước đây rất nhiều vì nếu có sự cố xảy ra sẽ liên đới đến hàng loạt hồ đập thủy lợi, thủy điện mới được xây dựng ở phía hạ nguồn.
Cũng theo ông Trương, nếu công trình này xảy ra sự cố thì sẽ ảnh hưởng đến hoa màu, nhà cửa của người dân sống tại 5 xã trên địa bàn huyện Đắk Mil và huyện Krông Nô.
Ông Lê Viết Thuận, Chủ tịch Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông cho biết, trong số hơn 250 công trình do đơn vị quản lý thì gần như đều nằm trong tình trạng mất an toàn.
Theo ông Thuận, lý do khiến hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mất an toàn vì những công trình này có tuổi đời lớn lên đến hàng chục năm và đặc biệt là không được kiểm định hàng năm.
“Tại Đắk Nông, hầu hết là công trình nhỏ nhưng lại có tuổi đời rất cao (trên 20 năm). Đối với công trình thuỷ lợi, sau 5 năm trở lên phải kiểm tra thì mới biết được trong thân đập bị thấm, mối, lún móng hay nứt trong bê tông…. Các công trình ở Đắk Nông đều chưa được kiểm định nên sự cố có thể xảy ra trong ngày một ngày hai, khi mà thời tiết ngày càng thất thường”, ông Thuận chia sẻ.
Những năm gần đây, khí hậu tại Tây Nguyên thay đổi rõ rệt, ngập lụt xảy ra thường xuyên gây thiệt hại lớn về người và tài sản. |
Còn tại tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê, hiện địa phương này có hơn 300 hồ đập thủy lợi đã bị hư hỏng, nhiều thân đập của các hồ chứa bị sạt lở gây mất an toàn.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk thông tin, với các công trình thủy lợi có quy mô lớn nhưng bị hư hỏng nặng trong thời gian tới sẽ gửi đề xuất tới Bộ NN&PTNT, Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Theo ông Dương, do tỉnh Đắk Lắk có ngân sách hạn hẹp nên vừa qua chỉ mới bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa được 77 công trình, chủ yếu là công trình vừa và nhỏ.
“Rất nhiều công trình thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ sau thời gian dài sử dụng. Do nguồn ngân sách của tỉnh đang rất khó khăn nên tỉnh cũng đề nghị Trung ương hết sức quan tâm, đầu tư các nguồn kinh phí để nâng cấp sửa chữa các hồ đập mất an toàn”, ông Dương bày tỏ.
Trong đợt đi kiểm tra hồ đập tại Tây Nguyên gần đây, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cho biết, trong mùa mưa lũ, tại các hồ chứa ở nhiều địa phương mới chỉ đề cập đến tình huống xả lũ bình thường, xả theo thiết kế mà chưa tính đến phương án vỡ đập.
Theo ông Tỉnh, hầu hết các hồ chứa đều trong tình trạng cảnh báo mất an toàn, đặc biệt là những đập thuỷ lợi được đắp bằng đất đã nhiều năm, với các điều kiện kinh phí cũng như công nghệ, kỹ thuật không đảm bảo yêu cầu, nguy cơ nảy sinh các mối nguy hiểm trong mùa mưa lũ.
“Chúng tôi rất lo lắng các loại công trình đập, hồ chứa nước là hồ chứa vừa và nhỏ, với đập là đập đất và được xây dựng từ lâu. Cộng với việc nhiều năm thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng nên chất lượng không đảm bảo”, ông Tỉnh chia sẻ.
Trong những năm gần đây, thời tiết tại Tây Nguyên nói chung và 2 tỉnh thuộc vùng nam Tây Nguyên Đắk Lắk, Đắk Nông nói riêng có nhiều thay đổi rõ rệt, hiếm khi người dân chứng kiến cảnh lũ quét kèm dông lốc san phẳng nhà cửa, cầu cống, hồ đập nhiều như trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều này đã tác động không nhỏ đến sự an toàn của các công trình thủy lợi, đặc biệt là những công trình có tuổi đời cao và làm theo truyền thống xưa cũ.
Dẫu biết là vậy nhưng hiện 2 địa phương này cũng không phải trong một sớm một chiều là có thể khắc phục được bởi cần phải có kinh phí lớn, trong khi hiện nay các địa phương vẫn đang còn nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết sau gần 2 năm gồng mình phòng chống dịch.
Quảng Bình: Đảm bảo an toàn hồ chứa nước thủy lợi trước mùa mưa bão
Hầu hết các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh, nhất là hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý đã được xây dựng từ lâu, nhiều hồ chứa bị xuống cấp, hư hỏng.
Hải Dương