Quảng Bình: Đảm bảo an toàn hồ chứa nước thủy lợi trước mùa mưa bão
Hầu hết các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh, nhất là hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý đã được xây dựng từ lâu, nhiều hồ chứa bị xuống cấp, hư hỏng.
Theo thống kê từ Sở NN&PTNT Quảng Bình, toàn tỉnh có 150 đập, hồ chứa thủy lợi các loại, 01 hồ thủy điện với tổng dung tích trữ nước khoảng 560 triệu m3 phục vụ tưới cho trên 55.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và sinh hoạt. Trong đó có 20 hồ đập, hồ chứa lớn; 130 hồ đập, hồ chứa vừa và nhỏ.
Hiện, nhiều hồ, đập đã có tuổi thọ 30 đến 40 năm, được xây dựng trong thời kỳ đất nước khó khăn, quy mô còn hạn chế, công nghệ thi công lạc hậu, chịu tác động của mưa bão, lũ lụt nên đã xuống cấp, hư hỏng nặng, nhất là các hồ, đập nhỏ do các địa phương quản lý.
Hồ chứa nước Vực Tròn (huyện Quảng Trạch) có dung tích chứa hơn 52 triệu m3 nước sau mưa lũ. |
Để chủ động đảm bảo an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão, ngày 16/7/2021, Văn phòng UBND tỉnh đã có Công văn số 2644/VPUBND-KT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm về việc “tăng cường công tác đảm bảo an toàn hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn”.
Theo công văn 2644, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 đã được phân bổ để sửa chữa công trình phòng, chống thiên tai, hồ đập, đê điều, trong đó ưu tiên các hạng mục đầu tư sửa chữa nâng cao an toàn của công trình trước thiên tai; rà soát hoàn thiện, phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai và tình huống khẩn cấp; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng để phòng, chống thiên tai theo quy định tại Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai; triển khai thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn, lập danh mục hồ chứa ưu tiên sửa chữa khẩn cấp, cấp bách trên địa bàn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh, làm thông thoáng dòng chảy, cửa xả tràn các hồ chứa hoàn thành trước ngày 15/8/2021.
Đập Phú Vinh (phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới) được xây dựng từ năm 1992. |
Mặt khác, các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện công tác đảm bảo an toàn hồ chứa, tham mưu biện pháp chỉ đạo đảm bảo an toàn hồ chứa, vận hành điều tiết các hồ chứa khi có thiên tai nhằm đảm bảo an toàn vùng hạ du; bố trí kinh phí thích hợp từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để từng bước sửa chữa, nâng cao an toàn hồ chứa; đầu tư, sữa chữa công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn.
Ngoài ra, các địa phương hỗ trợ thêm kinh phí để nâng cấp mặt đập hồ chứa nước Hung Dũ, hồ chứa Ồ ồ (xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch); chỉ đạo chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn đã được tỉnh hỗ trợ để ưu tiên sửa chữa các hạng mục đảm bảo an toàn đập; dọn dẹp vệ sinh tạo thông thoáng các cửa xả tràn để góp phần đảm bảo an toàn hồ chứa hồ chứa nước Cây Khế (xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch)…
Đối với các công trình hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần lập dự án, khẩn trương lên kế hoạch đưa ra biện pháp khắc phục, sửa chữa, tránh những thiệt hại về người, tài sản, sản xuất nông nghiệp của người dân trong mùa mưa bão sắp tới.
Thanh Hà