Hàng loạt học sinh đạt điểm cao từ chối đại học, đầu quân trường nghề
Đó là chia sẻ của nhiều sinh viên đang theo học trường CĐ nghề Việt Đức (Hà Tĩnh) đạt trên 20 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015.
Giang, Chương, Nam, Việt (tính từ trái sang phải, ngồi hai bàn đầu) đang trong một tiết học tại lớp (ảnh: Trương Hoa) |
Học ĐH hay học nghề ra trường đều phải đi làm, kiếm tiền
Năm 2015, Trường CĐ nghề Việt Đức (Hà Tĩnh) tiếp nhận nhiều bộ hồ sơ của các thí sinh đạt trên 22 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia. Thay vì lựa chọn một trường ĐH những thí sinh này đã tìm đến trường nghề để đầu cơ.
Tiếp xúc với các em, nghe những câu chuyện xung quanh việc từ chối ĐH để học nghề mới biết rằng, học ĐH hay học nghề không quan trọng nữa. Miễn là sự lựa chọn đó có phù hợp với sở thích, sở trường, hoàn cảnh và quan điểm của từng người. Học nghề hay ĐH không còn nặng nề trong tư tưởng, miễn là khi ra đời cá nhân đó sẽ làm được gì cho bản thân, gia đình và xã hội.
Với quan điểm trên, bản thân em Trần Ngọc Nam (SN 1997, trú tại Sơn Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) kỳ thi THPT quốc gia dù đạt số điểm khối C khá cao, 24,5 điểm, nhưng Nam vẫn không mặn mà với ĐH mà quyết định đến với nghề kỹ thuật Hàn, Trường CĐ nghề Việt Đức học tập.
Nam (bên phải), đạt 24,5 điểm, nói, lựa chọn trường nghề là em không muốn đi lại vết xe đổ của các anh, chị đi trước, học ĐH nhưng vẫn không có việc làm (ảnh: Trương Hoa) |
"Nhìn từ thực trạng các anh, chị SV cùng quê đi trước cũng học ĐH, cầm bằng giỏi ra trường, thậm chí học lên cao học nhưng vẫn ở nhà đi làm nông. Nam nghĩ rằng, mình sẽ không vấp tiếp vết xe đổ của các thế hệ đi trước, học ĐH nhưng vẫn thất nghiệp. Điều đó, cảnh tỉnh Nam bước vào học nghề, ngành kỹ thuật Hàn. Cơ hội việc làm sau này sẽ rất cao. Nếu trong tỉnh, trong nước không nhận em về làm việc, thì cánh cửa đi làm thuê nước ngoài vẫn luôn mở rộng" – Một cái nhìn rút ra từ thực tế mà Nam muốn chia sẻ.
Cũng giống Nam, em Nguyễn Duy Chương (SN 1996, quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi cũng đạt số điểm 23,5 điểm nhưng rồi Chương đã qua Trường CĐ nghề Việt Đức học chuyên ngành cơ khí chế tạo máy. Với suy nghĩ, học ĐH chỉ mang danh, Chương đã đặt ra một phép toán kinh tế đối với một người xuất thân trong hoàn cảnh gia đình nông nghiệp như em thì học nghề luôn có lợi hơn.
Em giải thích, học nghề rút ngắn thời gian, đỡ tốn kém tiền bạc và cơ hội việc làm về sau dễ dàng hơn. Nhất là khi tỉnh Hà Tĩnh đang có một Đại công trình đồ sộ tầm quốc gia, Dự án Formosa là mảnh đất màu mỡ mà ngành cơ khí chế tạo máy như em có nhiều cơ hội về sau.
Khác với Chương, Nam, em Nguyễn Hoài Giang (SN 1996, quê Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) dù đang là SV năm 2, ngành quản lý giáo dục, Trường ĐH Quy Nhơn nhưng Giang đã bỏ ngang để về học nghề, ngành chế tạo máy tại Trường CĐ Việt Đức. Em nhận thức rõ, học ngành giáo dục cơ hội việc làm sau này sẽ rất khó. Học xong, vứt bằng vào “tủ” rồi làm tội bố mẹ thì thật không xứng. Gia đình khó khăn, bản thân phải tự lực cánh sinh thì học nghề cơ hội việc làm về sau luôn “an toàn” hơn.
Còn em Vũ Văn Việt (SN 1997, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An), cũng đạt 20,25 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, số điểm đó em đủ khả năng để học một trường ĐH khối A ở tỉnh Hà Tĩnh. Với suy nghĩ về thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, Việt đã lựa chọn một trường nghề tại Hà Tĩnh để học tập.
Đã có sự thay đổi trong tư duy?
Theo PGS-TS Đặng Minh Ất, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Việt Đức, công tác tuyển sinh năm nay cho thấy những tín hiệu vui. Trường tiếp nhận trên 30 bộ hồ sơ của những em đạt 3 môn trên 18 điểm, trong đó có trên 4 em có số điểm từ 20 đến 24,5 điểm.
Qua đó, chứng minh trường đã dần tạo được vị thế, đào tạo nghề bài bản, định hướng tốt về cơ hội việc làm cho các em sau khi ra trường. Đến nay, có hơn 500 học sinh của trường được Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa tuyển dụng và khoảng trên 1.000 học sinh được các tập đoàn, tổng công ty tuyển dụng vào làm việc. Không chỉ làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, các học sinh Trường CĐ nghề Việt Đức sau khi ra trường còn có thể tự mình mở xưởng làm việc độc lập.
Các em đang chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình với PGS-TS Đặng Minh Ất, hiệu trưởng Trường CĐ nghề Việt Đức (ảnh: Trương Hoa) |
Ông Ất cũng thừa nhận, trước đây trường không có học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi ĐH-CĐ đến học. Năm nay khác, rất nhiều học sinh điểm cao đầu quân vào trường nghề. Đó là tín hiệu vui. Chứng tỏ rằng, càng ngày tư duy, nhận thức của phụ huynh, học sinh đã có sự thay đổi lớn về quan niệm dù “chết” cũng học bằng được ĐH. Lựa chọn trường nghề cho tương lai của mình để phù hợp với năng lực, hoàn cảnh và đam mê, nghĩa là các em đang đi đúng hướng, sát thực tế.
Với góc độ một PSG-TS hàng đầu tại Hà Tĩnh, ông Ất cũng nhắn gửi, mỗi em khi bước ra khỏi ngôi trường phổ thông phải định hướng được cho biết yêu và thích cái gì, học ĐH là mơ ước về học vấn, nhưng không có nghĩa bằng mọi giá phải học bằng được ĐH mới “xứng tầm”. Học nghề rèn luyện được kỹ năng, các em thực hành, chà xát thực tế nhiều hơn thay vì lý thuyết sách vở. Đồng cơ hội việc làm sau ra trường luôn rất nhiều.