Hàng điện máy dởm "đội lốt" thương hiệu nổi tiếng tràn về vùng nông thôn
Tự nhận là nhân viên của thương hiệu điện máy nổi tiếng để đi bán hàng dạo, tiếp thị sản phẩm, thậm chí tổ chức chương trình “hàng thanh lý về nông thôn” nhưng lại không phép, “bán chui” để bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
Ngành chức năng phát hiện nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh hàng điện máy kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Mạo danh hàng xịn về quê
Đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, nhất là những nơi có thu nhập thấp và sự hạn chế về thông tin, kiến thức phân biệt hàng hóa, nên nhiều đối tượng đã mạo danh “hàng xịn”, hàng công ty thanh lý, hàng mới thử nghiệm trên thị trường để đem về vùng sâu, vùng xa nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Cách đây không lâu, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện một công ty tổ chức điểm giới thiệu để bán hàng điện máy cho người dân nhưng không có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về 2 hành vi vi phạm: sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa nhưng không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy; bán máy có nhãn hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định.
Hiện nay, còn xuất hiện tình trạng các đối tượng tự nhận là nhân viên nhiều thương hiệu điện máy nổi tiếng để đi bán hàng dạo, tiếp thị sản phẩm... để bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc với giá “trên trời”.
Chú Nguyễn Văn Tư (thị trấn Cái Nhum- Mang Thít), cho hay: Hôm trước, khoảng 6 giờ tối, có 2 thanh niên chạy xe máy ghé vào nhà, tui nghĩ là muốn hỏi thăm đường. Rồi một thanh niên hỏi giả lả vài câu: Cô chú ăn cơm chưa, ở đây nước nhiễm mặn chưa, xài nước gì? Rồi nói “tụi con là nhân viên của thương hiệu X. đến để giới thiệu máy nước nóng lạnh có thể lọc nước mặn thành ngọt.
Đây là sản phẩm lần đầu tiên đưa ra thị trường, giá trên thị trường hơn 10 triệu đồng nhưng nay tụi con bán cho chú 5,8 triệu đồng thôi”. Rồi 2 người này thao thao nói, giải thích chức năng, công dụng. Tui nghe cũng xuôi tai, sắp mềm lòng tính mua thì con trai tui đi làm về tới. Xem thông tin sản phẩm thì con tui nói đây là hàng nhái thương hiệu X. Nhân viên công ty hàng chính hãng sao lại đi tiếp thị giờ này. 2 thanh niên kia ú ớ, nói vài câu rồi lẳng lặng rút lui. Chút nữa là tui bị “dụ” rồi”.
Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long cho biết: Tình trạng kinh doanh hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng giả vẫn còn xảy ra với những thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Thời gian gần đây xuất hiện hành vi vi phạm phổ biến là các đối tượng bán hàng hóa sản phẩm ở nông thôn với giá khuyến mãi để lừa dối người tiêu dùng ở nông thôn và lợi dụng các trang mạng xã hội để bán hàng, và đa số các loại hàng hóa này không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường.
Trong đó, có không ít chương trình về nông thôn bán hàng rầm rộ nhưng lại không phép, để bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cho người dân. Mặt hàng vi phạm phổ biến là hàng điện máy, điện lạnh, điện gia dụng,…
Đừng để bị lừa vì cả tin
Theo ngành chức năng, nguyên do khiến hàng dỏm còn đất sống là do khi đi mua hàng, người dân ít để ý đến nguồn gốc xuất xứ, chủ yếu xem giá rẻ hay không. Thêm vào đó, nếu “lỡ” mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì cũng xuề xòa cho qua vì tâm lý ngại kiện cáo, ngại đụng chạm, không dám lên tiếng vì sợ “phiền”.
Do đó, để đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, để họ tự giác tố cáo những hành vi gian lận. Bên cạnh đó, cần động viên, khen thưởng xứng đáng cho các cá nhân khai báo khi phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Giám đốc một trung tâm điện máy ở Phường 1 (TP Vĩnh Long) cũng khuyến cáo: Người dân không nên tin đối tượng nào xưng danh là nhân viên các siêu thị điện máy nổi tiếng đi bán dạo.
Hình thức này thông thường là lừa đảo, các đối tượng này gom hàng lậu, hàng dỏm không rõ nguồn gốc rồi đi tới từng địa phương ở nông thôn rao bán. Các thương hiệu chính hãng sẽ không có tình trạng để nhân viên tự ý rao bán sản phẩm bên ngoài. Ngoài ra, nhân viên giao hàng của công ty sẽ mặc đồng phục, vận chuyển hàng cũng có logo của công ty, nhãn hàng.
Do đó, người dân cần tỉnh táo trước những chương trình khuyến mãi từ “trên trời”. Nếu dính bẫy thì người mua rất khó đòi lại quyền lợi.
500 kính mắt hiệu Chanel chuyển từ Lạng Sơn nghi hàng giả
Lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 1 chiếc xe ô tô khách vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm từ Lạng Sơn về qua địa bàn TP Thái Nguyên, trong đó có lô hàng 500 chiếc kính mắt nhãn hiệu Chanel có dấu hiệu giả mạo.
Theo THẢO NGUYÊN (Báo Vĩnh Long)