Hàng chục hộ dân thấp thỏm dưới chân núi nứt toác cả năm, cứ mưa là phải đi lánh nạn
Sau hơn 1 năm bị ảnh hưởng bởi sạt lở núi nghiêm trọng, hàng chục hộ dân ở huyện Con Cuông (Nghệ An) vẫn chưa được bố trí tái định cư. Mỗi khi trời có mưa, họ lại phải kéo nhau đi lánh nạn để đảm bảo an toàn.
Sống bất an dưới chân núi
Đêm 29/10/2020, tại khu vực bản Bủng Xát, xã Châu Khê (huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An) bất ngờ xuất hiện vết rạn nứt lớn trên núi sau nhiều ngày mưa lớn, gây nguy hiểm cho 17 hộ dân với 65 nhân khẩu đang sinh sống tại đây.
Vết nứt này rộng 1m, nhiều đoạn sâu khoảng 2m, chạy theo hình vòng cung dài hơn 200m, xé toạc triền núi. Ước tính, có khoảng nửa triệu m3 đất đá đã bị tách rời hoàn toàn khỏi triền núi và có nguy cơ đổ ập xuống, đe dọa các hộ dân và tuyến đường giao thông Khe Choăng đi Khe Bu (xã Châu Khê) ở phía dưới chân núi.
Vết núi nứt toác khổng lồ, kéo dài khoảng 200 mét dọc triền núi. |
"Hôm đó nghe tiếng động lớn, bà con hô hoán nhau cùng tháo chạy, chẳng ai dám ở lại trong nhà…", một người dân bản Bủng Xát nhớ lại.
Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền xã Châu Khê và UBND huyện Con Cuông đã cắt cử lực lượng chức năng theo dõi, cảnh báo, đảm bảo an toàn lưu thông qua khu vực nguy hiểm cũng như bảo vệ tài sản cho người dân, không để xảy ra mất mát, hư hỏng; hỗ trợ đủ lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con.
Vết lở núi ảnh hưởng trực tiếp đến 17 hộ dân với 65 nhân khẩu tại bản Bủng Xát. |
Trong số các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lở núi nghiêm trọng, căn nhà của gia đình bà Lộc Thị Diện (SN 1959, trú bản Bủng Xát) chỉ cách vực sâu chưa đầy nửa mét, vô cùng nguy hiểm, đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Chồng mất sớm, con cái người ra cửa nhà đi làm ăn xa, còn cậu con trai út đang làm ăn ở miền Nam, năm nay do dịch nên không thể về quê. Sống một mình nên hễ khi trời có mưa lớn, bà Diện lại phải lủi thủi một mình đi lánh nạn.
“Ở nhờ nhiều cũng phiền gia đình hàng xóm, quay trở về thì không yên tâm vì sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, bà Diện lo lắng nói.
Bà Lộc Thị Diện (trú bản Bủng Xát) thấp thỏm mỗi khi trời đổ mưa lớn, lo lắng đất đá lại sạt lở, tràn xuống nhà mình và hàng xóm trong bản. |
Mới sinh con chưa đầy một tháng, nhưng chị Lô Thị Mong (37 tuổi, bản Bủng Xát) đã không ít lần ôm con chạy đến nhà người thân cả đêm để xin ở nhờ khi trời mưa xảy ra bất chợt.
"Mùa mưa bão thì lo lắm, đêm không ngủ được. Mong muốn được di dời đi nơi khác đỡ hơn, ổn định cuộc sống chứ càng ngày núi nó càng sạt lở xuống sợ lắm", chị Mong chia sẻ.
Theo ông Kha Văn Tâm, Trưởng bản Bủng Xát (xã Châu Khê) cho biết, toàn bản có 189 hộ với 872 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Hơn 1 năm qua, cứ mỗi lần mưa lớn, đại diện ban quản lý bản lại phải xuống nhà các hộ dân sống cạnh vết núi nứt để vận động người đi ra khỏi nhà cho an toàn.
Những căn nhà chênh vênh trên núi, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. |
Tự tháo dỡ nhà đi nơi khác
Sau khi xuất hiện vết nứt, UBND huyện Con Cuông đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An về chủ trương di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở bản Bủng Xát.
Nhận được tờ trình, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản giao các sở, ngành và đơn vị liên quan xem xét phối hợp với địa phương kịp thời giải quyết. Tuy nhiên, đến nay gần một năm trôi qua, vấn đề bố trí tái định cư cho các hộ dân và xử lý vết nứt vẫn “án binh bất động”.
Trao đổi với PV Infonet, ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê (huyện Con Cuông) cho biết, có tổng 17 hộ bị ảnh hưởng bởi vết nứt trên núi và sạt lở. Trong đó, có 2 hộ do lo sợ núi lở nên đã tự tìm đất và di dời nhà đến nơi ở mới. Còn có 6 -7 hộ nằm trong khu vực nguy cơ cao và quá nguy hiểm.
“Mỗi khi trời có mưa lớn là chúng tôi phải vào trực tiếp vận động bà con di dời. Chính quyền địa phương rất mong cơ quan chức năng sớm bố trí, xây dựng khu tái định cư cho những hộ dân sống trong vùng bị sạt lở này để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão”, ông Thương cho hay.
Hơn 1 năm trôi qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa bố trí tái định cư cho các hộ dân và xử lý các vết nứt kéo dài. |
Việt Hòa