Thuế thuốc lá thấp khiến tỷ lệ người hút thuốc cao
Ngày 25/5, tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về phòng chống tác hại của sản phẩm tiêu dùng có hại cho sức khỏe do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, các chuyên gia y tế và hoạch định chính sách đã đưa ra những cảnh báo, đề xuất đối với sự cần thiết của việc phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các loại thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), đồ uống có đường.
Tác hại khôn lường đến sức khoẻ và kinh tế
Tại hội nghị, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đưa ra cảnh báo, các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện nhiều và gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, thuốc lá điện tử gây tác hại đến giới trẻ, học sinh, sinh viên…
Các chất dung dịch được pha trộn trong thuốc lá mới chủ yếu là hóa chất độc hại, gây dị ứng, gây ung thư. Tinh vi hơn, các chất ma túy được đưa vào các thành phần sản xuất thuốc lá điện tử vừa dẫn độc và gây nghiện.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế nhấn mạnh, hút thuốc lá có những tác hại khôn lường đến sức khoẻ, tạo gánh nặng lên kinh tế cho gia đình và xã hội. Do đó, chúng ta cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ người dân, nhất là thanh thiếu niên, thế hệ trẻ tương lai của đất nước và giảm gánh nặng về kinh tế.
Báo cáo thống kê của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng cho thấy, việc sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động). Tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hằng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.
Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng cho biết, trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Với kết quả này, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá; tiết kiệm chi phí do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm ở trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, đó là giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%.
Thuế thuốc lá thấp khiến tỷ lệ người hút thuốc cao
Việt Nam hiện là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp.
Để giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hương đề xuất ủng hộ tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, truyền thông rộng rãi đến người dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Quảng cáo; Luật Thương mại đã quy định rõ cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức.
Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, thuế thuốc lá ở Việt Nam rất thấp so với các nước ASEAN và trung bình toàn cầu.
Thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ của Việt Nam là 38,8%, trong khi đó ở Malaysia là 58,6%, Singapore là 67,5% và Thái Lan là 78,6%. Tỷ lệ này ở các nước phát triển là 67,9%, còn trung bình toàn cầu là 61,5%. Theo khuyến cáo của WHO, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần phải ở mức 70% - 75% giá bán lẻ.
Theo BS Lâm, Việt Nam nên tăng thuế thuốc lá thường xuyên để giá thuốc lá tăng nhanh hơn lạm phát và mức tăng thu nhập. Ngoài ra, nên tăng thuế thuốc lá để trong ngắn hạn đạt mục tiêu kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Về dài hạn, đặt mục tiêu đạt mức 70-75% giá bán lẻ theo tiêu chuẩn toàn cầu của WHO. Việt Nam cũng nên bổ sung thuế tuyệt đối để giảm bớt sự sẵn có của thuốc lá giá rẻ, hạn chế việc thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận và bắt đầu hút thuốc.
Đồng thời với mặt hàng thuốc lá, BS Nguyễn Tuấn Lâm cũng đề cập đến việc cần xem xét đến việc tăng thuế đối với cả sản phẩm có hại cho sức khỏe là rượu, bia, nước uống có đường một cách hợp lý. Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam cho thấy, việc tăng thuế đối với rượu, bia, nước ngọt không làm ảnh hưởng đến thu ngân sách, việc làm của người lao động mà vẫn đảm bảo hạn chế tiêu thụ.
Anh Thư