Hải Phòng phát triển mô hình bác sĩ gia đình từ đề tài nghiên cứu khoa học
Đó là thực tiễn triển khai từ đề tài khoa học và công nghệ cấp thành phố: “Nghiên cứu xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Hải Phòng” do PGS.TS Trịnh Thị Lý, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng làm chủ nhiệm.
Được biết, 8 tỉnh triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ với các mô hình khác nhau: Trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình là cơ sở thực hành của các trường đại học chuyên ngành y, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình…
Đến nay, riêng tại Hải Phòng, PGS.TS Trịnh Thị Lý đã triển khai xây dựng 5 mô hình phòng khám BSGĐ đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế, gồm: 01 mô hình tư nhân tại quận Hải An, 01 mô hình tại bệnh viện quận Lê Chân, 01 mô hình tại bệnh viện huyện Vĩnh Bảo, 01 mô hình tại trạm y tế phường Minh Khai, 01 mô hình trạm y tế xã Hòa Bình.
Từ thực tiễn triển khai và kinh nghiệm thu thập, PGS.TS Trịnh Thị Lý đã đề ra các giải pháp duy trì và nhân rộng mô hình phòng khám BSGĐ ở Hải Phòng, gồm: quy chế phối hợp giữa các tuyến; Chế độ, chính sách duy trì hoạt động phòng khám; Giải pháp nhân rộng mô hình trong đó đề xuất đến năm 2020 khuyến khích 50% các trạm y tế xã, phường có bác sĩ làm việc triển khai mô hình phòng khám BSGĐ, khuyến khích tất cả các bệnh viện quận/huyện, phòng khám đa khoa có ít nhất 1 bàn khám bệnh và quản lý sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình.
Bác sĩ gia đình là những người chăm sóc sức khỏe gần nhất với người dân tại cộng đồng. |
Lịch sử phát triển bác sĩ gia đình
Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX. Năm 1960, Y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu.
Năm 1995, có 56 nước đã phát triển và áp dụng chương trình đào tạo Y học gia đình. Hiệp hội Bác sĩ gia đình toàn cầu (WONCA) đã được thành lập năm 1972 và đến nay đã có gần 100 quốc gia thành viên.
Hiện nay, mô hình bác sĩ gia đình đã được phát triển rộng rãi không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Canada mà cả ở các nước đang phát triển như Philippines, Malaysia. Đặc biệt Cu Ba là quốc gia được coi là một hình mẫu về phát triển mô hình bác sĩ gia đình ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, từ ngàn năm nay nhân dân ta có một mạng lưới y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe một cách tự phát. Các ông lang, bà mế, bà đỡ, các phòng chẩn trị y học cổ truyền, thầy thuốc tư... đã hình thành mạng lưới chăm sóc sức khỏe gần nhất với người dân tại cộng đồng.
Năm 1998, Dự án phát triển đào tạo bác sĩ gia đình tại Việt Nam với sự tài trợ bởi quĩ CMB (China Medical Board of New York) được Bộ Y tế phê duyệt. Dự án triển khai đào tạo chuyên ngành Y học gia đình tại các trường: Đại học Y Hà Nội, đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh, đại học Y Thái Nguyên.
Tháng 3 năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình.
Năm 2002, trung tâm Đào tạo bác sĩ gia đình được thành lập tại trường Đại học Y Hà Nội, đại học Y- Dược TP Hồ Chí Minh, đại học Y Thái Nguyên và bắt đầu triển khai đào tạo chuyên khoa cấp I Y học gia đình.
Đến nay đã có thêm các trường như trường đại học Y Hải phòng, đại học Y- Dược Huế, đại học Y- Dược Cần Thơ, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, triển khai đào tạo chuyên khoa cấp I Y học gia đình.
Tháng 6 năm 2002, bệnh án Y học gia đình đã được xây dựng; Năm 2005 hình thành bệnh án điện tử y học gia đình đầu tiên và áp dụng tại phòng khám y học gia đình Bệnh viện đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh.
Đến nay có hơn 500 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 70 bác sĩ định hướng Y học gia đình đã được đào tạo. Phần lớn các bác sĩ chuyên khoa Y học gia đình sau khi tốt nghiệp trở về làm việc ở tuyến y tế cơ sở.