Hà Nội: Phát hiện 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6, đã tiêu hủy 11.706 con
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết vừa có báo cáo về diễn biến tình hình dịch cúm gia cầm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Theo đó, từ ngày 3-9/2/2020, đã xảy ra ổ dịch cúm A/H5N6 tại 1 hộ và 3 hộ thuộc vùng dịch trên địa bàn thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), buộc phải tiêu hủy 6.807 con gia cầm. Đến nay, đã qua 14 ngày không có phát sinh dịch bệnh.
Tuy nhiên, đến ngày 17/2, trên địa bàn xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cũng đã xảy ra ổ dịch cúm A/H5N6 tại 1 hộ chăn nuôi gà thương phẩm (tổng đàn xác minh 1.991 con). Toàn bộ tổng đàn gà đã được tiêu hủy kịp thời theo quy định.
Và ngày 18/2, trên địa bàn xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) đã xảy ra ổ dịch cúm A/H5N6 tại 1 hộ chăn nuôi vịt thương phẩm (tổng đàn xác minh 2.258 con). Toàn bộ tổng đàn vịt đã được tiêu hủy kịp thời theo quy định.
Tiếp đó, ngày 20/2, trên địa bàn xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ) đã xảy ra ổ dịch cúm A/H5N6 tại 1 hộ chăn nuôi vịt thương phẩm (tổng đàn xác minh 650 con). Toàn bộ tổng đàn vịt đã được tiêu hủy kịp thời theo quy định.
Chôn lấp, tiêu hủy trên 6.800 con vịt có virus cúm A//H5N6 tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh Phan Hậu/TNO |
Như vậy, tính đến ngày 24/2, trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6; tổng số gia cầm tiêu hủy của 7 hộ chăn nuôi là 11.706 con.
Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo, thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao do thời tiết vẫn diễn biến bất lợi, mưa phùn, lạnh, ẩm ướt làm sức đề kháng vật nuôi giảm, mầm bệnh có điều kiện phát sinh.
Hơn nữa, Thành phố Hà Nội có tổng đàn gia cầm lớn, trong đó, gia cầm thương phẩm chiếm tỷ lệ lớn (gần 60% tổng đàn gia cầm toàn thành phố), xong vòng nuôi gia cầm thương phẩm ngắn, dao động từ 50-60 ngày/lứa xuất bán. Như vậy, tần suất 1 năm người dân nuôi trung bình 4-5 lứa/năm, nguy cơ dịch bệnh cao.
Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm lớn từ các tỉnh khác về, giao thông nhiều tuyến đường quốc lộ, do vậy, việc kiểm soát dịch bệnh gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố chiếm tỷ lệ cao, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm còn thấp.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi, chỉ đạo hệ thống thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn khi có ổ dịch xảy ra.
Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, phát hiện sớm, báo cáo và tham mưu xử lý kịp thời khi có ổ dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên địa bàn.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Làm tốt công tác tuyên truyền để người chăn nuôi tự chủ động phòng dịch. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi áp đụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học không để dịch bệnh xảy ra.
Trước đó, vào sáng 20/2, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ và trực tiếp kiểm tra tại nơi phát sinh ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Phú Nghĩa.
Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, ngay sau khi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, UBND huyện đã chỉ đạo Xã Phú Nghĩa tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm bị nhiễm bệnh, triển khai vệ sinh tiêu độc khử trùng tại hộ có dịch trong 7-10 ngày liên tục và vệ sinh khử trùng trên địa bàn thôn có dịch 1 lần/tuần và 1 lần trên địa bàn toàn xã, tổng số hóa chất đã sử dụng 40 lít, 5 tấn vôi bột.
Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia cầm khỏe mạnh tại thôn có dịch và tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, đã tiêm phòng cho trên 68.600 con gia cầm trên địa bàn thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa.
Ngoài ra, tổ chức thực hiện ký cam kết yêu cầu các hộ chăn nuôi chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu ghi nhận sự nỗ lực, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm AH5N6 của huyện Chương Mỹ trong những ngày vừa qua.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu huyện tiếp tục tập trung làm tốt công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm không để dịch lây lan. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi cần thực hiện biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để từ đó phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững.