Hà Nội: Khách sạn đồng loạt giảm giá kích cầu du lịch
Mặc dù Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn du lịch thế nhưng nhiều khách sạn tại Hà Nội vẫn chưa sẵn sàng đón khách trở lại, một số khác đang giảm giá cực sâu để hút khách.
Ghi nhận của phóng viên trên các tuyến phố như Tạ Hiện, Mã Mây, Hàng Gai, Bát Sứ... cho thấy, hầu hết hết các khách sạnvẫn vắng bóng khách.
Khách sạn Phố cổ Hà Nội vẫn dè dặt mở cửa (ảnh: Diệu Hoa)
Khách sạn đồng loạt giảm giá
Chia sẻ với phóng viên, chị Huyền (nhân viên khách sạn số 45 Hàng Bồ) cho biết, dù khách sạn đã đưa ra nhiều ưu đãi, thậm chí cả cho thuê theo giờ nhưng lượng khách lưu trú vẫn không nhiều. Hiện khách sạn vẫn chỉ giữ lại rất ít nhân sự bởi nguồn khách chủ lực là khách quốc tế vẫn chưa có sự kết nối hay tín hiệu quay trở lại Việt Nam.
Trong khi đó, quản lý khách sạn Golden Silk Hotel, phố Hàng Gai cũng cho biết để duy trì và thích ứng với tình hình dịch bệnh, hiện nay khách sạn tiến hành giảm giá phòng, cắt giảm nhân sự, cắt giảm tối đa chi phí không thực sự cần thiết.
“Khách tới sẽ liên hệ trước qua đường dây nóng, quản lý sẽ ra mở cửa và bố trí phòng phù hợp. Đây là việc làm cần thiết và hiệu quả để duy trì hoạt động của khách sạn trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay”, vị quản lý cho biết.
Thậm chí, một số khách sạn đến hiện tại vẫn đóng cửa im lìm, chưa có kế hoạch mở cửa trở lại.
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết hiện nhiều khách sạn tạm nghỉ, đóng cửa chưa vội quay trở lại kinh doanh, bởi nếu như mở lại họ sẽ phải bỏ ra một số vốn để tái đầu tư khởi động lại hoạt động kinh doanh, trong khi thời điểm này lượng khách đi du lịch chưa nhiều. Vì vậy mà họ sẽ không vội vàng mà chờ khi nào thị trường du lịch ấm lên mới quay trở lại.
Nhiều khách sạn giảm giá sâu nhưng vẫn không có khách (ảnh: Diệu Hoa)
Trong khi đó, thống kê của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho thấy dù mở cửa nhưng nhiều khách sạn vẫn đang phải giảm giá cực sâu để hút khách. Trong đó có thể kể đến như La Sinfonia del Rey Hotel and Spa (phố Hàng Dầu) giảm tới 72%; khách sạn Acoustic Hà Nội & Spa giảm tới 83%.
Hay các khách sạn như khách sạn Soleil Boutique giảm từ gần 3 triệu đồng xuống còn hơn 700 nghìn đồng/đêm; Khách sạn La Siesta Premium (Hàng Bè- Hà Nội) giảm từ hơn 3 triệu đồng/đêm xuống còn hơn 800 nghìn đồng/đêm…
Đặc biệt, một số khách sạn 4 - 5 sao còn giảm giá khủng còn gần 1,6 triệu đồng/phòng (giá gốc hơn 9,4 triệu đồng), khách sạn Hanoi Lullaby Hotel giá từ 6,2 triệu đồng giảm xuống còn hơn 2 triệu đồng/đêm.
Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 3.722 cơ sở lưu trú du lịch với 69.954 phòng. Trong đó có 589 khách sạn xếp hạng từ 1-5 sao với 24.371 phòng, chiếm 15,8% tổng số cơ sở lưu trú du lịch.
Báo cáo mới đây của CBRE cho thấy, khách sạn tại Hà Nội được phép chào đón du khách vào tháng 10/2021, sau khi các quy định hạn chế về giãn cách xã hội được nới lỏng vào tháng 9. Thêm vào đó, một số khách sạn 4 sao được chuyển thành cơ sở cách ly nhưng những biện pháp này cũng chỉ góp phần nhỏ trong việc phục hồi tình hình hoạt động.
Trong bối cảnh du lịch mở cửa, nhiều khách sạn vẫn lựa chọn đóng cửa nghe ngóng tín hiệu, chỉ mở cửa khi có khách liên hệ trước (ảnh: Diệu Hoa)
Chờ thời cơ từ xúc tiến du lịch
Năm 2021, tỉ lệ lấp đầy của thị trường khách sạn Hà Nội đạt 30,6%, tiếp tục giảm 4,5 đpt so với năm 2020 và 50,6 đpt so với năm 2019.
Dù ngành du lịch đã chính thức mở cửa đón khách quốc tế nhưng lượng du khách đến Việt Nam chưa nhiều như mong đợi. Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Á Vũ Thanh Hoài dự báo, phải cuối quý III/2022, du khách quốc tế mới đến Việt Nam, nguyên nhân là do phần lớn khách quốc tế thường phải mất từ 6 tháng đến 1 năm chuẩn bị để tham gia tour.
Chia sẻ tại Diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 11/3, ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh nên xu hướng đi du lịch của du khách đã thay đổi so với thói quen trước đây.
Trước đây đi theo nhóm lớn, giờ đi du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch tại chỗ, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng. Trước tình hình đó, Hà Nội đã cùng với các doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy các sản du lịch truyền thống và mở rộng sang các loại hình du lịch phù hợp với tình hình mới.
Cũng theo ông Minh, thời gian tới đây, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động du lịch, tổ chức các sự kiện để làm ấm dần thị trường du lịch cũng như thu hút khách du lịch đến với Thủ đô.
Hà Nội đã có các chương trình quảng bá như: Tham gia các hội nghị, diễn đàn về du lịch quốc tế trong nước, tuyên truyền trên các kênh truyền hình, báo chí trong khu vực, thực hiện quảng bá trên CNN (Mạng tin tức truyền hình cáp) với lượng phủ sóng cao, khi các doanh nghiệp có sản phẩm hay, hấp dẫn có thể gửi tới Sở Du lịch Hà Nội để Sở tập hợp, nghiên cứu, những sản phẩm nào độc đáo, phù hợp với định hướng của Chính phủ và Hà Nội...
"Những điều này kỳ vọng giúp số lượng du khách đến với Hà Nội nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các khách sạn Hà Nội mở cửa hoạt động trở lại nhanh hơn" - ông Minh khẳng định.
Du lịch mở toang cửa, cổ phiếu nào đang 'hot' trở lại?
Ngành du lịch đã 'mở toang cửa' đối với du khách quốc tế, tạo nên cú hích cho tăng trưởng du lịch trong năm 2022, cùng sự kỳ vọng của nhà đầu tư về cổ phiếu ngành này.
Theo DDDN