Hà Nội: Huyện Ba Vì phát huy vai trò dòng tộc trong khuyến học, khuyến tài
Hội Khuyến học huyện Ba Vì (Hà Nội) hiện nay có 31 cơ sở hội xã, thị trấn với 1157 chi hội, trong đó có 225 chi hội khu dân cư, 792 chi hội dòng họ, 110 chi hội trường học với tổng số khoảng 46 nghìn hội viên.
Thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, trong 9 tháng đầu năm 2022, Hội Khuyến học huyện Ba Vì đã làm tốt một số nhiệm vụ nổi bật như tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ các cấp của hội; tham mưu cho Huyện ủy và UBND huyện chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập, ban hành Kế hoạch 198 về thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập, Kế hoạch số 13 về thực hiện chương trình đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong “gia đình”, “dòng họ”, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình “công dân học tập" giai đoạn 2021-2030.
Các hội khuyến học cơ sở đã liên kết với ban đại diện cha mẹ học sinh làm tốt công tác động viên trẻ trong độ tuổi đến trường; hội cơ sở , thôn, dòng họ đã làm tốt công tác khen thưởng cho các em học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, giáo viên giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Các đơn vị tiêu biểu làm tốt công tác khuyến học phải kể tới là Hội khuyến học xã Phong Vân, xã Phú Châu, Ban khuyến học dòng họ Đỗ ở thôn Phong Châu - xã Phú Châu...
Xã Phú Châu có dân số trên 3.000 hộ với hơn 12.000 nhân khẩu được coi vùng đất hiếu học nổi tiếng của huyện Ba Vì. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thế Châu, Chủ tịch MTTQ kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Châu cho biết, trong nhiều năm qua công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương luôn được các cấp Ủy Đảng, chính quyền, các thành viên Hội Khuyến học quan tâm, đặc biệt là có sự hưởng ứng nhiệt tình của các trường học và từng hộ dân.
Theo đó, Hội khuyến học đã phối hợp tích cực với các dòng họ, gia đình phát động mạnh mẽ phong trào khuyến học, khuyến tài tại 6 thôn trên toàn xã, qua đó làm chuyển đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân địa phương với việc xây dựng một cộng đồng học tập tại xã, nhằm góp phần nâng cao dân trí, từng bước xây dựng nguồn nhân lực có trình độ ngày càng cao cho địa phương và đất nước.
Ông Châu cũng cho biết thêm, hiện nay xã đã triển khai thành nếp hoạt động “Tiếng trống học bài”. Theo đó cứ 19h00 hằng ngày (mùa hè) và 19h30 (mùa đông) là đài truyền thanh của xã Phú Châu lại đều đặn phát thanh: "Đã đến giờ học tập! Học tập suốt đời, chìa khóa của mọi thành công, học cho bản thân, học cho gia đình và cho xã hội!". Liền theo đó sẽ là tiếng trống được nổi lên, các gia đình nhắc nhở con cháu ngồi vào bàn học.
“Ngoài ra, còn có tiếng chuông chùa cũng được rung lên nhắc nhở các con cháu chăm chú cho việc học hành”, ông Trần Thế Châu cho hay.
Bên cạnh đó, các mô hình học tập trong cộng đồng xã Phú Châu cũng được triển khai đến từng khu dân cư. Ông Châu cho biết, xã cũng vừa triển khai thí điểm mô hình “công dân học tập” và nhận được sự hưởng ứng của người dân giúp phong trào ngày càng lan toả.
Hiện toàn xã có 6 chi hội hoạt động rất tốt, hầu hết các dòng họ đều có quỹ khuyến học. Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng năm tổng số tiền quỹ khuyến học của các dòng họ trong xã luôn đạt từ 300 triệu đồng trở lên. Các dòng họ đã kịp thời động viên con cháu cũng như các thầy giáo, cô giáo có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt", đem lại niềm vinh dự cho gia đình, dòng họ.
Trong đó, ông Châu điểm danh một số dòng họ tiêu biểu trong xã làm tốt công tác này gồm: dòng họ Phan, dòng họ Nguyễn Đình, Nguyễn Quý, dòng họ Dương (thôn Phú Xuyên), dòng họ Đỗ (thôn Phong Châu). Các dòng họ này thường tổ chức lễ trao thưởng cho con cháu trong họ đạt thành tích cao trong học tập vào ngày giỗ họ hoặc tổ chức riêng một ngày.
N. Huyền