Hà Nội: Số mắc sốt xuất huyết tăng gấp 3-4 lần, chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc
Báo cáo của BCĐ Công tác phòng, chống dịch bệnh Thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến 30/10/3022, Hà Nội đã ghi nhận 9.747 mắc sốt xuất huyết với 12 trường hợp tử vong, đáng lưu ý số mắc tăng gấp 3-4 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.
Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện ở 564/579 xã, phường, thị trấn, với số mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm 58,1%, nội thành chiếm 41,9%.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, như: Đan Phượng (1.057), Thanh Oai (854), Đống Đa (585), Thanh Trì (571), Thường Tín (565), Hà Đông (511).
Đáng lưu ý, trong 2 tuần gần đây số lượng mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Trong tuần qua ghi nhận thêm 62 ổ dịch mới tại: Thanh Oai (10), Hà Đông (10), Đống Đa (8), Bắc Từ Liêm (4), Hoàng Mai (4), Nam Từ Liêm (3), Thanh Xuân (3), Tây Hồ (3), Long Biên (3), Hoài Đức (2), Ba Đình (2), Quốc Oai (2), Thường Tín (2), Mê Linh (2), Thạch Thất (1), Phúc Thọ (1), Chương Mỹ (1), Thanh Trì (1).
Theo đánh giá của Sở Y tế, qua theo dõi nhiều năm, số mắc sốt xuất huyết thường đạt đỉnh vào các tuần đầu tháng 11.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, số mắc SXH năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Hiện tại tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, nhiều yếu tố nguy cơ (thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển).
Hơn thế nữa, thời điểm tháng 10 sinh viên các tỉnh nhập học, tăng đối tượng cảm nhiễm mới chu kỳ dịch 5 năm. Trong khi đó, một số địa phương xử lý ổ dịch hiệu quả còn thấp, tỷ lệ các hộ được phun hóa chất chưa đạt yêu cầu, giám sát chỉ số bọ gậy cao vượt ngưỡng…).
CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong, do đó cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.
Theo bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, sốt xuất huyết có 4 giai đoạn với triệu chứng khác nhau. Trong đó, giai đoạn nguy hiểm nhất diễn ra sau thời kỳ sốt (từ ngày thứ 3 đến ngày 7 của bệnh).
“Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất nhưng người bệnh thường chủ quan do tình trạng sốt đã giảm đáng kể”, BS Hằng cho hay.
Ở thời kỳ này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu nhiều, bạch cầu, tiểu cầu giảm sâu, ảnh hưởng đến khả năng đề kháng.
Các triệu chứng xuất huyết bắt đầu xuất hiện rõ rệt như nốt chảy máu lấm tấm dưới da, chảy máu cam. Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa...
Đáng lưu ý, sốt xuất huyết đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ. Theo bác sĩ Đỗ Tuấn Anh - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, ở trẻ em, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng có một số trẻ sẽ có biểu hiện nặng như: chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, suy hô hấp, suy tim, suy thận, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.
Theo đó, dấu hiệu cảnh báo là quá trình chuyển nặng/nguy kịch, thường là ở giai đoạn sốt muộn (late febrile) hay còn gọi là giai đoạn hạ sốt.
"Khi nhiệt độ giảm xuống bình thường (bệnh nhân hạ sốt/hết sốt, nhiệt độ < 38 độ C), là thời điểm các dấu hiệu nặng xuất hiện, có thể nguy hiểm đến tính mạng, liên quan đến thoát mạch (dịch/plasma thấm ra khỏi lòng mạch), ứ dịch (ở các khoang cơ thể như: khoang màng phổi gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng bụng,…), tình trạng suy hô hấp/khó thở, chảy máu và suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể", BS Đỗ Tuấn Anh cho hay.
Theo bác sĩ chuyên khoa nhi, nếu trẻ mắc sốt xuất huyết có 1 trong các dấu hiệu:
Đau bụng; Li bì/kích thích và nôn liên tục; Thay đổi đột ngột: Đang sốt cao, trẻ hạ thân nhiệt; Trẻ bắt đầu xuất hiện chảy máu (mũi, miệng, tiểu máu, phân máu) hoặc da niêm mạc xanh tái; Chân tay trẻ lạnh, ẩm; Đau bụng, ấn tức vùng bụng… thì bắt buộc phải vào viện điều trị gấp.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà, các bậc phụ huynh cần lưu ý đến việc phòng mất nước/thiếu dịch ở trẻ. Lý do là vì trẻ sốt xuất huyết nguy cơ mất nước do sốt cao liên tục, nôn hoặc uống không đủ nước so với nhu cầu. Do đó, bố mẹ cần bù nước cho con.
Theo đó, nước dừa, nước hoa quả giàu vitamin C, các loại rau xanh nên được bổ sung trong giai đoạn trẻ mắc bệnh và phục hồi. Thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ; đồ uống có caffein, có ga; Gia vị cay... thì nên tránh không cho trẻ ăn.
N. Huyền